Quảng Ninh: Nỗ lực chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật

GD&TĐ - Trong 3 năm qua, công tác giáo dục hòa nhập ở Quảng Ninh đã được thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, tạo bình đẳng, công bằng trong giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em và tạo được niềm tin cho cha mẹ học sinh, cộng đồng và toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Đề án 1019 của Chính phủ về hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020. 

Hòa nhập với các bạn, cách tốt nhất để giáo dục trẻ khuyết tật
Hòa nhập với các bạn, cách tốt nhất để giáo dục trẻ khuyết tật

Thành quả này là nỗ lực vô cùng to lớn của ngành GD-ĐT và đặc biệt là công sức của các thầy cô giáo.

Sự đồng cảm và sẻ chia

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 19 nghìn người khuyết tật, trong đó có 1.698 trẻ em khuyết tật, trong độ tuổi đi học.

Đã có 262/653 (bằng 39,8%) đơn vị trường học tổ chức giáo dục hòa nhập với 38 trường mầm non, 184 trường tiểu học, 37 trường trung học, 3 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Quy mô giáo dục người khuyết tật ngày càng được mở rộng, mạng lưới trường lớp, tỉ lệ huy động trẻ khuyết tật ra lớp ngày càng tăng, toàn tỉnh có 262/653 (tức là gần 40%) số cơ sở GDMN, tiểu học, THCS; THPT; GDTX đang tổ chức GD hòa nhập, ngoài ra còn thành lập mới 3 trung tâm hỗ trợ phát triển GD hòa nhập tư thục ngoài công lập.

Số trẻ khuyết tật trong độ tuổi tham gia học hòa nhập đạt 1.285/1.698 (75,7% tăng 13,9% so với năm 2014). Có được những con số biết nói trên là nhờ ở các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với công tác GD hòa nhập được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đặc biệt.

Các chính sách đã động viên, khích lệ để những thầy cô giáo đang trực tiếp chăm sóc các em có thêm động lực để yêu và gắn bó với nghề cũng như hết lòng chăm sóc các cháu.

Không chỉ là 100% giáo viên trực tiếp giảng dạy hòa nhập và học sinh khuyết tật được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và Thông tư số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND về hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành, theo đó trẻ tự kỉ ở các cơ sở GD của tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ như đối với trẻ khuyết tật. 

NGƯT Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Các thầy cô giáo và học sinh không chỉ nhận được sự trợ giúp của các cấp chính quyền mà còn là sự sẻ chia và đồng cảm của cả cộng đồng, tổ chức xã hội trong đó có Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh, của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Đây là kết quả của sự chăm lo cho sự nghiệp GD của sở ban ngành, tổ chức, đoàn thể, các địa phương, cũng là kết quả trong công tác chỉ đạo của ngành GD trong nhiều năm dài liên tục, là sự trăn trở của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ quản lý ngành qua các thời kỳ. 

Và tất cả tình thương yêu

Theo NGƯT Đặng Lộc Thọ (Trường Đại học Giáo dục Thủ đô): Giáo dục trẻ bình thường đã khó, giáo dục trẻ em thiệt thòi do khuyết tật, tàn tật, tự kỷ còn khó hơn nhiều lần, cần có các phương pháp GD đặc biệt, phải luôn quan sát từng đặc điểm, biểu hiện, hành vi dù là nhỏ nhất để giúp đỡ, hướng dẫn các em từ những việc đơn giản, thông thường nhất.

Có thể thấy rằng, hơn bất cứ hoạt động giáo dục nào khác, việc chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật, tàn tật, tự kỷ luôn cần đến sự có mặt thường xuyên, trực tiếp của người giáo viên. Các thầy cô giáo làm công tác GD trẻ khuyết tật với những thành công trong giáo dục trẻ khuyết tật đã đạt được là những tấm lòng chan chứa yêu thương và sự đồng cảm sẻ chia.

Có đến với các lớp GD trẻ khuyết tật ở Quảng Ninh mới thấy sự đầu tư về công sức và tình yêu thương các thầy cô dành cho các em mới lớn nhường nào. Đây chính là nền tảng để chất lượng GD hòa nhập ngày càng được cải thiện, trẻ khuyết tật, tự kỷ được GD theo mục tiêu kiến thức, kĩ năng, nội dung chương trình đã được điều chỉnh và có kế hoạch dạy học phù hợp với từng em.

Đến nay, tỷ lệ HS học hòa nhập hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện theo kế hoạch GD cá nhân được nâng lên so với với năm 2014, cấp học MN đạt 90% (tăng 21%); cấp tiểu học đạt 99,2% (tăng 37%), cấp trung học và GDTX đạt 100% (tăng 18,6%); nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, học sinh có thành tích vượt trội trong học tập và rèn luyện ở một số môn học, hoạt động GD.

Với 4.913 giáo viên và cán bộ quản lý trực tiếp chăm sóc, GD học sinh khuyết tật, tàn tật, tự kỷ (chiếm 22,3% tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành (tăng 5,6% so với năm 2014). Các cô, các thầy chính là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho các em, bù đắp cho các em những khiếm khuyết do không may mắn như các bạn cùng trang lứa.

Các thầy cô giáo và cán bộ quản lý tham gia công tác chăm sóc, GD học sinh khuyết tật, tàn tật, tự kỷ đã viết lên những câu chuyện cảm động về những việc làm tử tế tràn ngập tình thương yêu. Những tấm lòng chan chứa yêu thương đó đã khiến cha mẹ các em, nhân dân và xã hội càng thêm tin yêu vào nhà trường.

Theo NGƯT Đặng Lộc Thọ (Trường Đại học Giáo dục Thủ đô): Giáo dục trẻ bình thường đã khó, giáo dục trẻ em thiệt thòi do khuyết tật, tàn tật, tự kỷ còn khó hơn nhiều lần, cần có các phương pháp GD đặc biệt, phải luôn quan sát từng đặc điểm, biểu hiện, hành vi dù là nhỏ nhất để giúp đỡ, hướng dẫn các em từ những việc đơn giản, thông thường nhất

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ