Từ năm học 2014 - 2015, Phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới triển khai thí điểm mô hình GDHN cho TKT tại Trường Mầm non Sao Sáng 7 và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Từ hiệu quả của mô hình tại hai trường nói trên, những năm về sau ngành Giáo dục quận Ngô Quyền tích cực nhân rộng thêm 5 trường, rồi phấn đấu thực hiện mô hình này tại 100% các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn toàn quận.
Sau 3 năm học thực hiện mô hình GDHN cho TKT, cán bộ quản lý và giáo viên tại các trường học thuộc 3 cấp học trên địa bàn quận Ngô Quyền đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong GDHN. Từ đó nhận thức được vấn đề dạy hòa nhập cho trẻ là nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình giáo dục.
Tính đến tháng 2/2019, số trẻ tham gia GDHN tại 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) ở quận Ngô quyền là 222 em, trong đó bậc học mầm non: 21 trẻ, tiểu học: 137 em; THCS: 64 em.
Trong tổng số 222 học sinh theo học hòa nhập tại quận Ngô Quyền có 147 em đã có hồ sơ xác nhận dạng tật của cơ quan chức năng, còn 75 em đến nay vẫn chưa có hồ sơ TKT. Nguyên nhân một phần do nhận thức của phụ huynh học sinh còn hạn chế, thờ ơ với việc làm chế độ cho con, thậm chí không chấp nhận con mình là TKT; phần nữa do quá trình thăm, khám, làm hồ sơ khuyết tật cho con phải chi phí tốn kém, mất nhiều thời gian nên phụ huynh có tâm lý ngại làm.
Trước tình trạng số TKT trên địa bàn thành phố tăng cao, việc triển khai mô hình GDHN cho TKT của quận Ngô Quyền thể hiện là một hướng đi đúng đắn, nhận được sự quản lý của cán bộ, giáo viên và đông đảo phụ huynh có TKT.
|
Nhớ về những ngày đầu thí điểm mô hình, bà Vũ Thị Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền chia sẻ: Bước đầu triển khai thí điểm mô hình GDHN cho TKT, các trường học trên địa bàn quận gặp không ít khó khăn. Việc thiếu cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của thầy, trò; thiếu giáo viên phụ trách chuyên biệt trong khi số trẻ trên lớp đông, dẫn tới khó khăn trong việc bố trí thời gian can thiệp cá nhân cho TKT.
Phụ huynh không chấp nhận thực tế của con em mình và không phối hợp với giáo viên để giáo dục trẻ. Việc đánh giá các thể khuyết tật trí tuệ, ngôn ngữ còn khó khăn do trẻ còn quá nhỏ, chưa thể hiện rõ ràng. Số lượng các đơn vị y tế đủ chức năng khám sàng lọc TKT còn ít mà chủ yếu là các trung tâm dịch vụ bên ngoài dẫn đến chi phí cao gây khó khăn cho phụ huynh và các trường.
Tổ chức Tầm nhìn Thế giới đã giúp đỡ ngành GD quận về cơ sở vật chất, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giáo viên sử dụng các bộ công cụ để kiểm tra, sàng lọc ban đầu cho trẻ như: Bộ công cụ ASQ3, Mchat, Thang đo ADHD... Bên cạnh đó, Phòng GD&TĐ quận đã đưa GDHN vào nhiệm vụ trọng tâm của năm học, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội. Đồng thời, Phòng thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm về việc nuôi dạy cũng như GDHN cho TKT.
Từ đó, mô hình GDHN cho TKT của quận Ngô Quyền được lãnh đạo ngành đánh giá cao, nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con và phối hợp rất tốt với nhà trường để giáo dục trẻ.