Kiên trì, nhẫn nại
Cô giáo Trần Hải Ngọc - giáo viên Trường Mầm non Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), trong 10 năm công tác đã có 4 năm trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Nhờ cô sau 3 năm kiên trì, cháu Nguyễn Hải Đăng từ chưa biết nói và vệ sinh cá nhân, nay đã biết tự làm, giao tiếp cùng bố mẹ, cô giáo bằng những từ đơn giản, biết thể hiện cảm xúc yêu mến và hòa nhập với các bạn trong lớp.
Còn với cháu Phạm Văn Khánh bị rối loạn cảm giác, chậm phát triển trí tuệ, cô đã có những bài tập kết hợp điều hòa cảm giác miệng, tăng cường các vận động tinh, thô, hoạt động ngoài trời. Đến nay, Khánh đã giảm bớt việc cắn quần áo, cắn các bạn và giáo viên. Đặc biệt cô đã kiên trì dạy dưỡng cháu Nguyễn Tiến Đạt chậm phát triển ngôn ngữ, vận động thô kém. Từ việc để Đạt tham gia vận động dưới các dạng trò chơi, luyện âm qua các bài tập môi miệng và hơi thở, phát âm qua các bài thơ câu chuyện nay Đạt đã có thể theo học hòa nhập tại trường tiểu học.
Ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), nhiều người biết đến cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Trường Tiểu học Bình Khê I. Là người mẹ có con bị tự kỉ, hiểu về những vất vả, gian truân của các gia đình có con không may bị khiếm khuyết, cô đã mua tài liệu, tự nghiên cứu, đích thân lặn lội tìm đến những trung tâm để học hỏi cách chăm sóc và giảng dạy trẻ tự kỉ. Trong 6 năm đứng lớp, cô đã có 5 năm trực tiếp dạy học hòa nhập cho học sinh khuyết tật (HSKT), đến nhà từng học sinh, động viên, tư vấn cho gia đình làm hồ sơ khuyết tật, để các em được hưởng các chính sách hỗ trợ tốt nhất.
Bằng tình yêu thương của người mẹ, trách nhiệm của người thầy, cô luôn kiên trì chăm sóc, hỗ trợ các em từ những việc nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân, bố trí sắp xếp chỗ ngồi để tiện quan sát trong giờ học, tìm tòi và vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp với từng em trong các hoạt động học tập, tăng cường sử dụng các đồ dùng trực quan trong giảng dạy, điều chỉnh nội dung chương trình theo khả năng tiếp thu của từng học sinh. Các HSKT, tự kỉ do cô chăm sóc, giảng dạy đã hòa nhập được với các bạn trong lớp.
Đồng hành cùng phụ huynh
Còn ở Trường THCS Nguyễn Văn Thuộc, TP Hạ Long (Quảng Ninh) có cô giáo Lê Thị Hải Yến, với 4 năm làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy môn Lịch sử cho HSKT trí tuệ và nghe - nói.
Dành thời gian đến gia đình tìm hiểu, tư vấn, đồng hành cùng HSKT, sắp xếp chỗ ngồi phù hợp, huy động sự giúp đỡ của các bạn trong lớp, kiên trì sửa ngọng, rèn phát âm qua từng bài học, tổ chức cho học sinh tham gia các buổi ngoại khóa trải nghiệm trong và ngoài nhà trường để rèn kĩ năng sống, gần gũi, chia sẻ để học sinh thấy được tình cảm của thầy cô, bạn bè dành cho mình. Bằng tình cảm và các phương pháp giáo dục phù hợp, HSKT ở lớp của cô đã hòa nhập với các bạn trong lớp và có thành tích học tập tốt, đạt danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm liền.
Đặc biệt hơn cả là trường hợp cô giáo Đỗ Thị Kim Dung - Trường THPT Hòn Gai (Quảng Ninh). Có con bị bệnh hiểm nghèo nên cô rất hiểu và cảm thông chia sẻ với các em học sinh thiệt thòi. Lớp cô chủ nhiệm có em Phạm Hoài Thương bị xương thủy tinh do ảnh hưởng của chất độc da cam. Hoàn cảnh gia đình Thương khó khăn, bố bị bệnh nặng qua đời năm em 13 tuổi, mẹ em vất vả suốt ba năm, đưa em đến trường.
Bằng tình thương của người mẹ, cô đã dành thời gian trao đổi với các thầy cô giáo bộ môn, vận động các bạn trong lớp chia sẻ, giúp đỡ như đẩy xe lên dốc cao, chép bài giúp khi em bị đau mỗi khi trái gió, trở trời, đến nhà động viên bạn khi bạn ốm… Bớt đi mặc cảm tự ti về sự khiếm khuyết của mình để hòa nhập với bạn bè, mỗi ngày đến trường của Thương thật sự là một ngày vui bởi ở đó có tình yêu thương, chia sẻ, cảm thông của các thầy cô giáo, bạn bè. Năm học 2017 - 2018, em đã tốt nghiệp THPT, hiện là sinh viên học từ xa của Trường Đại học Mở Hà Nội.
Cô giáo Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Đông Mai, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), với 7 năm giảng dạy tại lớp có HSKT, đã tự tìm hiểu các phương pháp GD trẻ khuyết tật, nhập tâm đến mức từng khiến cho gia đình phải lo lắng vì hay lẩm nhẩm một mình, tay làm những động tác lạ để học từng ký hiệu giao tiếp.
Nhờ có cô, em Nguyễn Hoàng Thủy Tiên bị khuyết tật thần kinh, tâm thần, trong lớp thường phá phách, la hét, đi vệ sinh ra lớp, thậm chí đánh cả cô giáo và tự đánh mình rất đau. Gia đình đã cho em nghỉ học khi nhiều phụ huynh của lớp có ý kiến, nhưng bằng tình yêu thương, cô đã kiên trì vận động gia đình đưa Thủy Tiên trở lại lớp.
Được yêu thương, chia sẻ và tiến bộ từng ngày, đến nay Thủy Tiên là thành viên tích cực tuyên truyền về công tác GD hòa nhập cho trẻ khuyết tật.