Nhiều mô hình sáng tạo đưa sách đến gần học trò

GD&TĐ - Nâng cấp thư viện, thay đổi không gian đọc, tổ chức thư viện mini của từng lớp, đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu, giao lưu với các nhà văn trẻ, cùng học trò in sách… đang là những cách làm của nhiều trường, nhiều giáo viên tại TPHCM để tạo thói quen đọc sách, nhân lên tình yêu với sách cho học trò.

HS Trường TH Nguyễn Văn Trỗi đọc sách tại thư viện
HS Trường TH Nguyễn Văn Trỗi đọc sách tại thư viện

Lan tỏa tình yêu sách

Năm học 2019 – 2020 là năm thứ 5 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu cho khối 10 và 11. Theo cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, với tiết đọc sách, trường hy vọng khuyến khích học sinh đọc sách, để thu nhận được nhiều kiến thức cũng như giúp các em có phương pháp, kĩ năng đọc sách, khơi gợi niềm đam mê với những cuốn sách bổ ích.

Sau mỗi học kỳ, các em sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận và trải nghiệm với các đầu sách bổ ích đã được đọc. Những đầu sách này được nhà trường lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với lứa tuổi học trò như các tác phẩm văn học hay, những cuốn sách về dạy làm người, về tình yêu gia đình và các sách khoa học. Từ các cuốn sách đã đọc, các em có thể viết cảm nhận, đóng một đoạn kịch, hát những ca khúc đặc biệt về các tác phẩm văn học để tiết đọc thêm sinh động và hiệu quả.

Bên cạnh việc đánh giá về hiệu quả của tiết đọc sách sau một học kỳ, buổi ngoại khóa “Hẹn hò cùng sách” cũng là nơi các em học sinh được trổ tài, chia sẻ với nhau về những cuốn sách hay mà mình từng đọc, từ đó truyền đi cảm hứng đọc sách với các bạn. Đặc biệt, kết thúc năm học vừa qua, học sinh lớp 11A9 và 11A12 của trường đã cùng thầy Đỗ Đức Anh, cô Lê Anh Cúc (cùng là giáo viên tổ Văn) ra mắt cuốn sách Có thư trên bậu cửa. Đây là cuốn sách tập hợp 50 lá thư viết bằng tay của các em học sinh từ dự án dạy học Có thư ngoài cửa của hai giáo viên môn Ngữ văn.

Tương tự như Trường THPT Bùi Thị Xuân, từ nhiều năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Quận 4) đã đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu cho học sinh khối 2, 3, 4 và 5. Theo đó, mỗi tuần các em đều có một tiết đọc sách khoảng 35 phút. Sau mỗi tiết đọc sách, các em có thể viết một bài thu hoạch hoặc vẽ tranh và các tổ nhóm có thể đóng kịch thể hiện nội dung cuốn sách mà các em vừa đọc.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, mỗi lớp đều triển khai một tủ sách nhỏ. Sách do học sinh trong lớp đóng góp. Mỗi tháng thư viện sẽ tổ chức viết bài cảm nhận về cuốn sách mà các em học sinh đã đọc. Bài viết xuất sắc sẽ được thư viện tặng thưởng và chọn đăng trên bản tin của trường. Trường THCS Trần Văn Ơn, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo… đều có những tủ sách công cộng treo ở sân trường, nhằm khuyến khích học sinh đọc sách, chia sẻ những cuốn sách mà mình đã đọc, cuốn sách mà mình có với các bạn trong trường.

Đầu tư xây dựng thư viện

Nhằm thu hút học sinh đến với thư viện để đọc sách, tìm kiếm tài liệu, học tập… nhiều trường đã “khoác áo mới” cho thư viện. Từ đầu năm học 2019 - 2020, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1) đã đưa vào sử dụng thư viện thông minh. Đây là công trình có mức kinh phí được thành phố phê duyệt gần 15 tỷ đồng theo chương trình đầu tư kích cầu của TPHCM.

Không gian thư viện đầu tư 2 tầng với diện tích sử dụng gần 1.000m². Khu vực lầu 1 là nơi tra cứu với kho sách điện tử, sách đặt tại thư viện hàng chục nghìn bản… và phòng học máy tính, các thiết bị hiện đại ứng dụng trong học tập, giảng dạy. Tại đây có các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển, điển hình như Zpace. Lầu 2 là không gian đọc mở, được thiết kế gần giống với một quán cà phê, được trang bị bàn ghế sofa nhiều loại, cây xanh, cabin để học nhóm…

Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài phục vụ việc đọc sách, học tập, nghiên cứu của học sinh. Thư viện còn là nơi để các giáo viên của trường ứng dụng các phương pháp dạy học mới, ứng dụng CNTT trong giảng dạy với các thiết bị hiện đại…

Nhiều trường học khác như Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Trường TH Lạc Long Quân (Quận 11)… cũng được đầu tư xây dựng thư viện điện tử, đạt chuẩn với hình thức xã hội hóa. Bên cạnh các đầu sách phong phú, trường còn chú trọng đến đầu sách song ngữ và không gian đọc mở. Thư viện chuẩn bị nhiều ghế tựa, thảm, ghế ngồi… để học sinh có thể thoải mái ngồi, nằm đọc sách.

Có thể thấy, thời gian qua, các trường có nhiều sáng kiến, mô hình hay để khuyến khích học sinh đọc sách, lan tỏa tình yêu sách cho các em. Tuy nhiên, để hình thành thói quen đọc sách, tạo văn hóa đọc cho học sinh, vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Nhiều giáo viên chia sẻ, nếu cha mẹ trẻ ít đọc sách, không thường xuyên đọc sách cho con, cùng con đọc sách, hay môi trường xung quanh cũng không chú ý đến văn hóa đọc, thì sẽ rất khó để có được những đứa trẻ ham đọc sách, yêu đọc sách.

“Trong trường, thầy cô luôn khuyến khích cho các em đọc sách với nhiều hình thức khác nhau... Và để thói quen được duy trì, phụ huynh cũng cần đồng hành với con trong đọc sách. Cuối tuần có thể cả nhà cùng nhau đi đường sách, đến nhà sách, hay trò chuyện với con về cuốn sách hay mà ba mẹ đọc… có rất nhiều cách để nhân lên tình yêu với sách cho con”, cô Trịnh Minh Hương, giáo viên Trường THPT Phú Nhuận cho biết.

Nhằm lan tỏa tình yêu với sách cho học sinh, từ năm 2015 - 2016, Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức thường niên cuộc thi “Lớn lên cùng sách”. Cuộc thi hướng đến sự trưởng thành của học sinh qua quá trình đọc sách; sự phát triển bền vững của thói quen đọc sách và kỹ năng đọc ở học sinh; sự lan tỏa của niềm đam mê đọc sách và văn hóa đọc trong môi trường học đường.  Từ đó, giúp học sinh có được tình yêu và sự quan tâm đối với sách, phương pháp, kĩ năng đọc sách, thói quen đọc sách mỗi ngày, đưa việc đọc sách trở thành văn hóa đọc. Qua đọc sách, học sinh có sự thay đổi tốt đẹp về tâm hồn, kiến thức, tư duy, kỹ năng sống; nâng cao tinh thần tự học, sáng tạo và biết vận dụng vào thực tiễn những kiến thức đã đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ