Nhiều điểm mới trong Quy chế tuyển sinh 2021: Đôi bên cùng có lợi

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, về cơ bản Quy chế tuyển sinh 2021 (sửa đổi) được Bộ GD&ĐT ban hành cơ bản giữ ổn định và có tính kế thừa những ưu điểm của năm trước.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TG.
Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TG.

Quy chế có nhiều điểm mới nhưng theo hướng lợi cho thí sinh và cơ sở đào tạo đại học. 

Hướng đến người học

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT ngày 1/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/7/2021.

Ngoài việc cập nhật nội dung của các văn bản: Luật, Nghị định, Pháp lệnh người có công đã có hiệu lực, thống nhất các văn bản thuật ngữ; Quy chế có một số điểm mới so với năm 2020. Cụ thể: Bổ sung phương thức thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ bằng hình thức trực tuyến. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (so với năm 2020 thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần).

Cũng theo đại diện Vụ Giáo dục Đại học, Quy chế lần này quy định chặt chẽ hơn việc UBND các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng đào tạo nhân lực cho tỉnh, đối tượng là học sinh các vùng trên. Đồng thời quy định cụ thể việc các trường ngoài giấy chứng nhận kết quả thi THPT, không được dùng bất cứ một hình thức nào khác để thay thế giấy chứng nhận xác định nhập học.

Ngoài ra, chế độ báo cáo kết quả tuyển sinh của năm được quy định tại công văn hướng dẫn nhằm khắc phục diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19. Đồng thời, cập nhật các điều kiện ưu tiên đối tượng theo pháp lệnh của Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

PGS.TS Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang đánh giá cao những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm 2021, mà ở đó điểm nhấn là: Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến. Năm 2020, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần. Quy định này có lợi cho thí sinh và phù hợp với thực tiễn; giúp các em suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn trường học, ngành học; đồng thời tạo điều kiện để cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được thí sinh phù hợp.

“Việc thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến cũng là giải pháp công nghệ phù hợp; qua đó hỗ trợ đắc lực cho thí sinh và các trường trong mùa tuyển sinh năm nay. Tôi tin, những điều chỉnh trong Quy chế tuyển sinh năm nay sẽ nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh, thí sinh và cơ sở giáo dục đại học” - PGS.TS Võ Ngọc Hà bày tỏ.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG
Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG

Cân nhắc khi được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần

Cho rằng, Quy chế tuyển sinh năm 2021 không có nhiều thay đổi so với năm trước, TS Cao Xuân Liễu - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh: Điểm mới nhất là, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ba lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến. Điều này, không chỉ giúp sinh thí giảm bớt sai sót khi đăng ký xét tuyển mà còn tăng cơ hội trúng tuyển và các ngành học, trường học mà mình yêu thích.

Theo TS Cao Xuân Liễu, sự thay đổi này mang đến nhiều thuận lợi cho thí sinh, đồng thời phù hợp thực tiễn khách quan. “Tôi cho rằng, đây là điểm nhấn đáng quan tâm nhất của Quy chế lần này, cho thấy sự điều chỉnh này mang tính nhân văn, hướng đến người học – nhân vật trung tâm của mỗi mùa tuyển sinh” - TS Cao Xuân Liễu nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) cho rằng: Điều chỉnh nguyện vọng 3 lần trong khoảng thời gian nhất định sẽ giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn trong việc cân nhắc ra quyết định lựa chọn ngành nghề tương lai của mình. Tuy nhiên, không vì thế mà các em chủ quan. Việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển cần được cân nhắc kỹ càng và có chiến thuật rõ ràng, nhất là với những em điểm thi không cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, chắc chắn các em sẽ ước lượng được số điểm thi của mình theo các tổ hợp xét tuyển. Vì thế, các em cần rà soát lại các nguyện vọng đã đăng ký trước đó để sắp xếp lại thứ tự ưu tiên hoặc bổ sung nguyện vọng (nếu cần). Các em nên viết ra giấy các nguyện vọng xét tuyển (kể cả những nguyện vọng dự định bổ sung). Sau đó, nghiên cứu, tìm hiểu những cơ sở đào tạo ngành nghề đó.

Nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng: Những ngành, trường học mà mình thực sự mong muốn trúng tuyển và yêu thích nhất lên trên để tăng cơ hội trúng tuyển. “Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, việc cần làm lúc này là, các em nên hệ thống lại kiến thức và giữ cho mình tâm lý thoải mái, sức khoẻ để có tâm thế bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt” - PGS.TS Nguyễn Đức Khoát khuyến cáo.

Theo Vụ Giáo dục đại học, các quy định của Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT cũng hỗ trợ của Bộ GD&ĐT quản lý Cơ sở dữ liệu xét tuyển chung toàn quốc; xây dựng, duy trì và vận hành Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, bao gồm các thông tin: Chỉ đạo điều hành công tác tuyển sinh, cơ sở dữ liệu về kết quả thi tốt nghiệp THPT, hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết cho công tác tuyển sinh.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.