Tuyển sinh 2021: Thí sinh có thể “đặt chỗ”?

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo kết quả xét tuyển và điểm trúng tuyển các phương thức tuyển sinh riêng năm 2021.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp thời điểm chưa có dịch Covid-19.  Ảnh: TG
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG

Theo các chuyên gia, thí sinh có thể xác nhận nhập học tạm thời theo tính chất “đặt chỗ” trước. Tuy nhiên, khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT, các trường không được thông báo xác nhận nhập học chính thức và không yêu cầu thí sinh nộp giấy tờ bản gốc.

Tăng cơ hội cho thí sinh

ThS Trần Lê Trọng Phúc - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hội đồng tuyển sinh đã thông báo kết quả xét tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi, chứng chỉ ngoại ngữ và xét tuyển kết quả học tập 3 năm THPT (học bạ).

Mới đây, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thông báo kết quả xét tuyển phương thức xét tuyển tài năng đợt 1, năm 2021. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Có khoảng 1.200 thí sinh đạt ngưỡng yêu cầu vào các ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy của trường.

Theo quy định, ở thời điểm này, các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học. Các trường chỉ được công bố trúng tuyển và nhập học khi thí sinh đã có kết quả tốt nghiệp THPT. ThS Trần Lê Trọng Phúc cho biết: Nhà trường mới thông báo điểm kết quả xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng, chưa yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học. Dự kiến, thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức đăng ký trực tuyến từ ngày 20/7 - 3/8/2021; nhập học chính thức từ ngày 2 - 4/8.

“Việc thông báo sớm kết quả xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng nhằm giúp thí sinh nắm được thông tin có cơ hội trúng tuyển vào trường hay không, từ đó yên tâm ôn thi tốt nghiệp THPT. Việc xác định nhập học chỉ được thực hiện sau khi các em biết điểm thi tốt nghiệp THPT” - ThS Trần Lê Trọng Phúc nhắc lại.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hội đồng thi TP Hải Phòng. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hội đồng thi TP Hải Phòng. Ảnh: TG

Chỉ nhập học khi thí sinh tốt nghiệp THPT

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, thời điểm này, các trường chỉ có thể thông báo đến thí sinh với tính chất “đặt chỗ”, không được yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ, giấy tờ gốc. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không thu bất kỳ khoản lệ phí nào cho việc “giữ chỗ” này. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, các em hoàn toàn có thể từ chối phương thức xét tuyển này, chuyển sang phương thức xét tuyển khác ở trường khác mà không bị bất cứ một ràng buộc nào. Bởi dù xét tuyển theo phương thức nào, các trường đều phải tuân thủ quy định chung về tuyển sinh.

“Nói chung, quyền lợi xét tuyển của thí sinh không bị ảnh hưởng, thậm chí còn có lợi. Xét trên bình diện chung, các em thoải mái lựa chọn và mạnh dạn “đặt chỗ” trước để tăng cơ hội trúng tuyển cho mình. Sau này, khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển sang trường khác, bằng phương thức tuyển sinh khác” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Nếu cơ sở đào tạo nào yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ bản gốc như: Học bạ, giấy khai sinh, thành tích học tập…. là sai quy định. Theo đó, các em có thể từ chối yêu cầu hoặc phản ánh lại với cơ quan quản lý Nhà nước. Trường hợp, thí sinh không có ý định vào trường thì không nên “đặt chỗ” để dành cơ hội cho các bạn khác.

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), nếu thí sinh đã xác định rõ ràng ngành nghề, trường học, các em có thể xác nhận việc học tạm thời với cơ sở đào tạo bằng kết quả phương thức tuyển sinh riêng. Điều này không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, làm tăng cơ hội trúng tuyển, giúp các em tiến gần hơn với giảng đường đại học. “Các em nên có định hướng ngành nghề rõ ràng để có lựa chọn đúng đắn. Nếu xác định mình không thích ngành nghề nào đó, thì dù có đủ điểm trúng tuyển, các em cũng nên mạnh dạn từ chối”, PGS.TS Vũ Thị Hiền tư vấn.

Cho rằng, trong bối cảnh tự chủ, việc xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng là nhu cầu tất yếu của các trường đại học, PGS.TS Vũ Thị Hiền cho hay: Đa dạng phương thức tuyển sinh tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào đại học. Tuy nhiên, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Vì thế, thí sinh cần tập trung ôn thi thật tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Từ đó, có thêm nhiều cơ hội xét tuyển vào các trường đại học.

Theo Vụ Giáo dục đại học, thời điểm này các trường được quyền thông báo kết quả xét tuyển theo các phương thức tuyển sinh riêng, nhưng không được làm ảnh hưởng tới quyền được xét tuyển bằng điểm thi THPT của thí sinh. Các trường không được yêu cầu thí sinh nộp các giấy có ảnh hưởng đến quyền lợi của các em. Nếu cơ sở đào tạo đã yêu cầu thí sinh nộp bản gốc các loại giấy tờ, thì sau này các em không có nhu cầu chọn học tại trường, nhà trường phải trả lại giấy tờ gốc mà các em đã nộp trước đó.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, nhiều cơ sở đại học thông báo kết quả xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, thí sinh chỉ có thể xác nhận tạm thời để các trường dự báo được nguồn tuyển của mình. Thí sinh chỉ xác nhận trúng tuyển và nhập học khi đã tốt nghiệp THPT. Thời điểm này, các em nên tập trung ôn tập để đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Các cơ sở giáo dục đại học dành khoảng 60% chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả của kỳ thi này.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ