Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nới lỏng tiêu chuẩn xét danh hiệu NGƯT, NGND

GD&TĐ - Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, sửa tiêu chuẩn xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân trong dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đề nghị giữ nguyên thời gian xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú là 2 năm như quy định hiện hành để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ, nhà giáo và nhà quản lý giáo dục.

Đại biểu Dương Minh Ánh
Đại biểu Dương Minh Ánh

Góp ý về quy định đối với danh hiệu: Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú ở Điều 62, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) đề nghị, cần xem xét lại quy định về thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 10 năm trở lên. Bởi, theo quy định của ngành giáo dục, đa phần cán bộ lãnh đạo quản lý có thời gian tối thiểu để được bổ nhiệm là tham gia trực tiếp giảng dạy tối thiểu là 5 năm.

“Như vậy, cá nhân nào càng xuất sắc, càng nhanh được bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý thì mãi mãi sẽ không được xét tặng các danh hiệu trên vì không đảm bảo về mặt thời gian quy định của luật này” - đại biểu Chamaléa Thị Thủy trao đổi.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đề nghị, cần “nới lỏng” quy định số năm trực tiếp giảng dạy với giáo viên công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo từ 15 năm xuống 10 năm và của cán bộ quản lý từ 10 năm xuống 7 năm. Tương tự như vậy, cũng quy định theo hướng giảm số năm trực tiếp nuôi, giảng dạy đối với “Nhà giáo nhân dân” công tác ở vùng cao, biên giới, hải đảo.

Do các tỉnh vùng cao, biên giới, hải đảo các nhà giáo tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức tốt, sau thời gian giảng dạy từ 5-7 năm trong ngành thường được cân nhắc bổ nhiệm và động viên giữ chức vụ quản lý để tiếp tục cống hiến cho ngành và địa phương.

Vì vậy, nếu tính số năm trực tiếp nuôi dạy (không tính thời gian giữ chức vụ cán bộ quản lý trong ngành giáo dục) thì nhiều nhà giáo tiêu biểu không đủ điều kiện được công nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Các nhà giáo (gồm cả nhà quản lý giáo dục) được công nhận “Nhà giáo ưu tú” khi còn trẻ có cơ hội và nhiều động lực phấn đấu đạt danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” khi trong độ tuổi công tác. Các cá nhân này sẽ tạo động lực cho các cá nhân khác phấn đấu.

Dại biểu Nguyễn Thị Lan Anh
Dại biểu Nguyễn Thị Lan Anh 

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị chỉnh sửa một số nội dung của dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Trong đó, về tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” tại điểm c, khoản 3 Điều 62.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung truy tặng đối với danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú nhằm tri ân các cá nhân có nhiều cống hiến; đồng thời động viên gia đình, cá nhân đó và khuyến khích thế hệ trẻ tiếp nối thành tích của cha ông, tiếp tục phát huy vai trò trong cộng đồng.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng

“Bên cạnh đó, trong thực tế một số cá nhân đủ các điều kiện đang được trình các cấp nhà nước đề nghị xét tặng danh hiệu nhưng tuổi cao, sức yếu hoặc bệnh tật qua đời, vì vậy việc bổ sung nội dung truy tặng là cần thiết” - Đại biểu Trần Thị Thu Hằng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ