Người đứng đầu cơ sở GD cần những gì để làm chủ công cuộc đổi mới?

GD&TĐ - Thực hiện đổi mới giáo dục, đặc biệt Chương trình GDPT 2018, đòi hỏi không chỉ đội ngũ giáo viên chủ động thay đổi mà người quản lý cũng phải thay đổi tư duy, hành động trong quản lý, điều hành.

TS Huỳnh Công Minh và HS Trường THCS - THPT Quang Trung Nguyễn Huệ (TPHCM). Ảnh: IT
TS Huỳnh Công Minh và HS Trường THCS - THPT Quang Trung Nguyễn Huệ (TPHCM). Ảnh: IT

Vậy, người đứng đầu cơ sở giáo dục cần có những năng lực như thế nào để làm chủ được công cuộc đổi mới? Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện với TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM. 

Dám nghĩ, dám làm

TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM. Ảnh: NVCC
TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM. Ảnh: NVCC

- Là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành giáo dục, ông đánh giá thế nào về năng lực và nhận thức của cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục thời gian qua?

- Ở bất cứ lĩnh vực nào, người quản lý cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong các cơ sở giáo dục, hiệu trưởng/thủ trưởng chính là đầu tàu để khởi động cả cỗ máy cùng vận hành về phía trước. Trước yêu cầu đổi mới, đầu tàu ấy phải có những bước đột phá, tự biết làm mới mình mới có thể dẫn dắt các đồng nghiệp cùng thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nhận thức về đổi mới của cán bộ rất tốt. Tôi thấy có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, cái khó của đội ngũ quản lý giáo dục là khi thực hiện những vấn đề đổi mới có sự chênh lệch. Cụ thể, có người tích cực vượt khó học tập để thực hiện, nhưng cũng có một bộ phận ngại khó, sợ đụng chạm, khó khăn nên nhận thức đổi mới đó khi thực hiện chưa được đồng đều.

Cái khó thứ hai là thói quen. Nghĩa là, không dễ gì thay đổi thói quen vốn có. Đặc biệt, mọi thứ (cơ sở vất, năng lực và nhận thức của đội ngũ, phụ huynh và xã hội) đôi khi chưa đổi mới kịp yêu cầu của mình là trở ngại trong quá trình đổi mới.

- Theo ông, để việc đổi mới GD được diễn ra thành công như kỳ vọng, cán bộ quản lý các cơ sở GD cần năng lực gì để làm chủ sự thay đổi này?

- Kết quả đổi mới giáo dục phụ thuộc vào việc triển khai thực tiễn. Trong đó cần sự đồng hành, phối hợp của đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý. Chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai không được đào tạo, tập huấn bài bản cũng không thể phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, muốn có đội ngũ giáo viên chất lượng, hiệu trưởng/người quản lý phải đi đầu trong đổi mới và thật sự có chất lượng.

Do đó, trước hết là cần giải quyết những vấn đề khó khăn như tôi đã nêu ở trên. Cụ thể, phải mạnh dạn, đấu tranh quyết liệt để vượt qua những cái khó đó, xóa bỏ những thói quen lạc hậu… Đồng thời giải quyết khó khăn về điều kiện, đặc thù. Bộ, sở, những cấp quản lý khác chỉ đề cập chủ trương, còn lại tùy điều kiện từng nơi, từng trường, hiệu trưởng đề ra mục tiêu phát triển, kế hoạch hành động. Điều này đòi hỏi cán bộ quản lý quán triệt tinh thần đổi mới, tích cực sáng tạo, vượt khó, phải dấn thân, học tập, bồi dưỡng... 

Học tập suốt đời

HS lớp 12 Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TPHCM) trong giờ ôn tập. Ảnh: TG
HS lớp 12 Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TPHCM) trong giờ ôn tập. Ảnh: TG

- Để làm chủ công cuộc đổi mới, dám nghĩ, dám làm, cán bộ quản lý ngoài quyết tâm và nỗ lực của bản thân cũng cần bổ sung kiến thức mới?

- Lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục cần bồi dưỡng phẩm chất nghề nghiệp; Kiến thức về quản trị nhà trường; Xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng chống bạo lực học đường; Tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường; Bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường.

Ngoài ra, đổi mới quản lý hoạt động dạy - học là nhiệm vụ đòi hỏi người đứng đầu phải biết nhìn xa trông rộng được hiện thực hóa bằng việc chú trọng giáo dục toàn diện học sinh, đào tạo nên thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

- Ở cấp vĩ mô, ngành Giáo dục cần có chính sách nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp cơ sở để công cuộc đổi mới giáo dục  diễn ra thuận lợi và thành công, thưa ông?

- Tôi nghĩ, cấp vĩ mô phải ý thức, tạo điều kiện cho các cơ sở vượt khó. Ngoài những vấn đề như chủ trương, chính sách… cần phải thoáng, mở trong quá trình chỉ đạo, đánh giá nhằm động viên khuyến khích lãnh đạo các cơ sở triển khai thực hiện. Mỗi cơ sở, cán bộ phải sáng tạo để thực hiện. Thậm chí, khi gặp vấn đề chưa hoàn chỉnh cần động viên, giúp đỡ, trao đổi để tìm hướng đi phù hợp.

Ở khía cạnh khác, việc du nhập chương trình GD quốc tế vào TPHCM nói riêng và cả nước nói chung rất quan trọng. Nó góp phần bứt phá trong giáo dục. Do đó, du nhập những cái mới, tiến bộ từ đất nước có nền giáo dục phát triển là một trong những giải pháp tích cực để thực hiện hội nhập quốc tế và đổi mới hiện nay.

-Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ