Mùa tuyển sinh ĐH, tìm hiểu ngành Báo chí

GD&TĐ - Nhiều năm trở lại đây, ngành Báo chí luôn giữ được sức hấp dẫn đối với các thí sinh và là ngành học có điểm đầu vào cao.

Mùa tuyển sinh ĐH, tìm hiểu ngành Báo chí

Các cử nhân ngành Báo chí có khả năng thực hiện các chức trách phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình.

Hiện cả nước có khoảng 700 tờ báo in và tạp chí, cùng hàng trăm đài phát thanh truyền hình từ trung ương tới địa phương.

Cử nhân ngành này còn có thể làm cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông đại chúng hoặc làm cán bộ chức năng trong các cơ quan lãnh đạo, quản lí thông tin báo chí.

Hoặc có thể thực hiện các chức trách công tác đòi hỏi sự hiểu biết có hệ thống, cơ bản về lí luận và kĩ năng nghiệp vụ báo chí, làm chuyên viên tại các công ty truyền thông, làm nhân viên truyền thông, quan hệ công chúng (PR)...

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có khả năng thích ứng rộng để có thể thực hiện các chức trách công tác tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến báo chí và truyền thông đại chúng như các cơ quan văn hoá - tư tưởng, các cơ quan, tổ chức truyền thông vận động xã hội, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các công ty, tổ hợp, tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế, thương mại, dịch vụ, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước...

Tuy nhiên, dù muốn thử sức ở lĩnh vực nào thì việc quyết định bước chân vào ngành Báo chí cũng đồng nghĩa với việc đã chọn cho mình một nghề nghiệp thú vị, năng động và nhiều thử thách.

Theo TS Đỗ Chí Nghĩa, Phó Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện báo chí tuyên truyền nghề báo rất đa dạng. Hiện nay có 4 mảng là: báo in, báo mạng, truyền hình và phát thanh... phản ánh mọi mặt của xã hội. Do đó đòi hỏi người học phải có nhiều kỹ năng như: say mê, đồng cảm và tỉnh táo. Tuy nhiên dù có đa dạng đến đâu thì người học cũng phải đáp ứng được tiêu chí là phản ánh được xã hội.

Hiện Học viện Báo chí đào tạo 7 chuyên ngành Báo chí, tạo điều kiện cho người học báo có thể làm báo trong mọi điều kiện. Không thể nói loại hình nào mạnh nhất vì mọi loại hình báo chí đều có tiềm năng phát triển. Nếu sinh viên có đam mê, thực sự yêu nghề mới nên theo đuổi ngành báo chí.

Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Họ tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin nhanh nhất về tất cả những sự kiện mới tới công chúng.

Những nhiệm vụ chính của nhà báo: Săn tin: tìm tòi, phỏng vấn, chụp ảnh, quay hình; dựng tin bài - tổ chức các dữ liệu thành một tác phẩm hoàn chỉnh;

Biên tập: Tác phẩm nộp lên sẽ được thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung (hoặc cũng có thể không dùng!).

Tổ chức nội dung: Tất cả những tác phẩm được duyệt sẽ được sắp xếp thành một chỉnh thể rồi được dàn trang, đem đi in hoặc đưa vào lịch phát sóng.

Phát hành: Báo, tạp chí được đưa tới nơi tiêu thụ, còn các tác phẩm truyền hình, phát thanh thì lên sóng.

Nhà báo cần những tố chất như trung thực; ưa hoạt động; thích viết lách và có năng khiếu tổ chức thông tin; quan tâm tới đời sống chính trị - xã hội; kiên trì, không nản lòng khi gặp khó khăn; phẩm chất chính trị trong sáng, vững vàng.

Theo quy định, chỉ một số trường ĐH được phép đào tạo ngành báo chí truyền thông, và chỉ là những trường ĐH công lập và đào tạo ở bậc ĐH. Ví dụ: Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Huế…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.