Kiểm định chất lượng các trung tâm ngoại ngữ: Cơ hội tiếp cận trình độ thế giới

GD&TĐ - Các trung tâm ngoại ngữ được thành lập ngày càng nhiều với những chương trình giảng dạy đa dạng. Tuy vậy, hiện chưa có hệ thống kiểm định đối với các trung tâm này. Việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sẽ định hướng và giúp các trung tâm bảo đảm chất lượng của mình trên cơ sở các tiêu chí phù hợp thực tiễn Việt Nam đồng thời có thể tiệm cận với quốc tế.

Học tập tại TT Language link Hà Nội. Ảnh: Quý Trung
Học tập tại TT Language link Hà Nội. Ảnh: Quý Trung

Tham gia các mạng lưới kiểm định quốc tế

Theo thống kê năm 2017 của Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), số lượng các trung tâm ngoại ngữ - công lập và tư thục - đến nay đã rất ấn tượng với gần 4.000 trung tâm/cơ sở trên khắp cả nước. Điều này cũng đồng nghĩa với sự cần thiết có sự bảo đảm chất lượng của các trung tâm, việc bảo vệ quyền lợi người học và trách nhiệm của hệ thống quản lý giáo dục của Nhà nước.

Việc cơ quan chủ quản (Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT) xây dựng một bộ tiêu chuẩn đánh giá - kiểm định chất lượng chi tiết, rõ ràng, dễ áp dụng và phù hợp với thực tiễn Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng và sự phát triển của các trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn này cũng cần tiệm cận với các tiêu chí kiểm định quốc tế để tạo cơ hội cho các trung tâm hội nhập với xu thế chung và như một bước chuẩn bị tham gia các mạng lưới kiểm định quốc tế phổ biến hiện nay.

TS Hà Văn Sinh, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ PTC - TP Nha Trang, Khánh Hòa, cho biết: Đánh giá chất lượng các trung tâm theo một bộ tiêu chuẩn quốc gia là một vấn đề hoàn toàn mới ở Việt Nam. Một số trung tâm đã tiếp cận với các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế như NEAS (Australia) và BC (Hội đồng Anh). Tuy nhiên, phí kiểm định cao và những tiêu chí khắt khe của các tổ chức kiểm định quốc tế chưa thúc đẩy được các trung tâm khác tham gia để có thể nâng cao chất lượng. Sự ra đời của một bộ tiêu chuẩn quốc gia giúp các trung tâm ngoại ngữ hiểu rõ các tiêu chí chất lượng, có thể tự đánh giá và cải tiến để phát triển trong khi chưa có điều kiện tham gia các mạng lưới kiểm định chất lượng quốc tế.

Trong khi chưa có các hệ thống kiểm định độc lập hoặc quốc gia, các trung tâm có thể tham gia vào hệ thống kiểm định quốc tế - nếu có đủ nhân lực và tài lực, hoặc nắm rõ các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng để tự kiểm định, cải tiến và hoàn thiện, chuẩn bị cho tiến trình từng bước tham gia hệ thống kiểm định quốc tế khi điều kiện nhân lực và tài chính cho phép. Quá trình chuẩn bị này sẽ giúp các trung tâm có nhận thức đầy đủ về chất lượng và biện pháp quản lý chất lượng, chuẩn bị và bổ sung nhân lực cho mục tiêu công khai chất lượng của trung tâm về lâu dài.

Bộ công cụ để thực hiện kiểm định

Để có thể xây dựng một bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cho một đơn vị đào tạo - bồi dưỡng ngoại ngữ, TS Hà Văn Sinh cho rằng, phải tính đến các yếu tố tác động đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của một trung tâm.

Chất lượng hoạt động của các trung tâm không chỉ lệ thuộc vào chương trình học (nội dung, phương pháp, đội ngũ giáo viên và kiểm tra - đánh giá). Cơ sở vật chất - trang thiết bị, học liệu là yếu tố không thể thiếu để thực hiện kế hoạch chương trình. Phương thức quản lý sao cho toàn bộ các thành viên của trung tâm (nhân viên, giáo viên) hiểu và có cơ hội đóng góp cho việc xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển cũng là một yếu tố cần đánh giá.

TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết: Bộ tiêu chuẩn kiểm định hướng đến ba mục tiêu chính: Định hướng và giúp các trung tâm ngoại ngữ phát triển trên cơ sở hiểu rõ các tiêu chí chất lượng và cách bảo đảm các tiêu chí chất lượng; là cơ sở lý luận để các trung tâm tự kiểm định chất lượng và chuẩn bị cho việc tham gia vào mạng lưới kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế; bảo đảm sự minh bạch chính xác về chất lượng các trung tâm, giúp người học chọn lựa trung tâm phù hợp với nhu cầu của mình, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong đánh giá - quản lý Nhà nước đối với các trung tâm.

Bộ tiêu chuẩn sau hoàn thiện sẽ được tổ chức thực nghiệm tại một số các trung tâm đại diện trong cả nước để làm rõ tính khả thi, tính thực tiễn để phiên bản cuối cùng có thể trở thành bộ công cụ để thực hiện kiểm định các trung tâm.

Sự ra đời của một bộ tiêu chuẩn quốc gia giúp các trung tâm ngoại ngữ hiểu rõ các tiêu chí chất lượng, có thể tự đánh giá và cải tiến để phát triển trong khi chưa có điều kiện tham gia các mạng lưới kiểm định chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, theo TS Hà Văn Sinh, kiểm định chất lượng các trung tâm ngoại ngữ là một việc làm hoàn toàn mới ở Việt Nam và vì vậy, việc tham khảo các hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế trước khi xây dựng bộ tiêu chuẩn là việc cần thiết.

Dự thảo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu đổi mới mô hình quản lý trung tâm ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” do TS Trương Tiến Tùng là chủ nhiệm, Trường Đại học Mở Hà Nội là đơn vị chủ trì.

Sau khi thực nghiệm lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo từ thực tế “tự kiểm định” của 34 trung tâm ngoại ngữ đại diện cho cả 3 loại hình trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động (tư thục, công lập và 100% vốn nước ngoài) trên cả nước, nhóm nghiên cứu cùng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo và ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng Việt Nam chính thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.