Khát vọng con chữ vùng biên

GD&TĐ - Ai đã từng đến với huyện miền núi biên giới Tây Giang (Quảng Nam) có dịp ghé thăm Trường PTDT nội trú Tây Giang, nhìn những người giáo viên ân cần, chăm sóc, dạy bảo học sinh thì mới hiểu được rằng, nếu không có tình yêu thương học sinh, tận tâm với nghề thực sự thì khó có thể làm nên được những thay đổi trong giáo dục vùng núi, dân tộc.

Khát vọng con chữ vùng biên

Ươm mầm sự học

Trường PTDT nội trú huyện Tây Giang được mọc lên ngay giữa trung tâm huyện lỵ Tây Giang. Học sinh đang theo học tại trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số nằm rải rác khắp các xã – thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn.

Nhiều người ví ngôi trường là hình ảnh thể hiện khát vọng của nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, cũng như ý chí của Đảng ủy, chính quyền huyện miền núi Tây Giang trong cuộc chiến với “giặc đói, giặc dốt”. 

Nói như ông Bhling Mia – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, việc xây dựng Trường PTDT nội trú Tây Giang không chỉ góp phần giải quyết được bài toán ngăn chặn học sinh bỏ học giữa chừng, mà hình thành được một cơ sở giáo dục bồi dưỡng nguồn lao động có chất lượng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương miền núi huyện Tây Giang.

Theo thầy Huỳnh Ngọc Hưng – Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Tây Giang, ngôi trường ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của con em và người dân địa phương. 

Hầu hết các em đang theo học ở trường đều sống rải rác khắp các địa bàn vùng miền núi, hẻo lánh và các xã vùng biên giới Việt – Lào. Bởi vậy, nếu như không có mô hình trường nội trú chắc chắn con đường đến trường của các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Minh chứng cho điều đó là những năm trước đây tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn có tỷ lệ rất lớn. Tuy nhiên, từ khi có Trường PTDT nội trú Tây Giang, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm hẳn. 

Thầy Hưng phấn khởi cho biết: Nhờ được tổ chức ăn ở và học tập ngay tại trường, với những điều kiện sinh hoạt, trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ nên các em luôn chú tâm vào chuyện học. Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường vì thế được nâng lên rõ rệt.

Ấm áp tình thầy cô

Đã được nghe thầy Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang giới thiệu về Trường PTDT nội trú Tây Giang trong những chuyến “băng rừng, vượt suối” đến thăm các điểm trường học nằm rải rác ở vùng giáp biên. 

Nhưng có lẽ, cho đến khi được tận mắt chứng kiến không khí học tập, sinh hoạt của học sinh, chúng tôi mới cảm nhận được hết khát khao vươn lên học tập, cũng như sự hy sinh, tận tụy của các thầy cô giáo đang công tác nơi vùng miền núi heo hút, khắc nghiệt này.

Theo thầy A Lăng Điếu - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Tây Giang, cũng như nhiều trường học vùng miền núi - vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay trên cả nước, chất lượng học sinh đầu vào là một trong những thách thức không nhỏ đối với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều học sinh khi vào trường vẫn chưa thấy được lợi ích của việc học tập nên còn lơ là, không chú tâm vào chuyện học. 

Chính vì vậy, dạy học làm sao cho có hiệu quả, dạy làm sao cho học sinh tiếp thu được kiến thức tốt nhất là cả một vấn đề lớn, khiến đội ngũ giáo viên nhà trường hết sức trăn trở.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, trong thời gian qua, tập thể hội đồng sư phạm nhà trường đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đưa vào áp dụng hiệu quả. 

Song song với chương trình dạy học chính khóa theo chương trình sách giáo khoa, cán bộ, giáo viên tận dụng thời gian tăng cường dạy phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh.

Theo Ban giám hiệu nhà trường: Hiện nay nhà trường vẫn tiếp tục duy trì việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Buổi sáng dạy học theo chương trình, còn buổi chiều ôn tập, củng cố lại kiến thức. Riêng buổi tối, giáo viên có nhiệm vụ kèm cặp, hướng dẫn, phụ đạo học sinh có học lực yếu, trung bình. 

Để tạo dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt nội trú theo từng chủ đề, chủ điểm, gắn với cuộc sống thực tế của học sinh. 

Tăng cường tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, giao lưu văn nghệ tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Qua đó, linh hoạt lồng ghép những nội dung giáo dục nhân cách, nếp ăn, nếp ở cho học sinh.

Bởi vậy, khi chia tay chúng tôi, trong cái nắm tay thật chặt, thầy A Lăng Điếu nói như một lời hứa của người con quê hương với sự nghiệp phát triển giáo dục địa phương: 

“Dẫu còn những khó khăn trước mắt khiến chất lượng giáo dục nhà trường còn có khoảng cách với các trường miền xuôi. Nhưng với những bước chân không mệt mỏi đến trường của học sinh, sự tần tảo, tận tâm của đội ngũ giáo viên, chắc chắn chất lượng giáo dục nhà trường sẽ đạt được sự kỳ vọng của nhân dân và chính quyền địa phương nơi vùng đất biên viễn này".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ