"Khát" nhân lực trình độ cao ngành Dệt may – Da giầy

GD&TĐ - Dệt may - ngành kinh tế đầu tầu của cả nước -  hiện đang có nhu cầu lớn về nhân lực, đặc biệt là trình độ cao.

PGS.TS Phan Thanh Thảo Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
PGS.TS Phan Thanh Thảo Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

PGS.TS Phan Thanh Thảo Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - chia sẻ nội dung này trong buổi sinh hoạt công dân sinh viên giới thiệu ngành nghề vào trao học bổng doanh nghiệp năm học 2020-2021 do Viện tổ chức sáng nay (26/12).

Theo PGS.TS Phan Thanh Thảo, Việt Nam là một trong các nước sản xuất dệt may – da giầy đứng thứ 5 thế giới. Hiện nay, ngành có khoảng 8.000 doanh nghiệp với trên 4 triệu lao động. Sản xuất dệt may – da giầy của Việt Nam đã có mặt trên 80 nước ở khắp các châu lục. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may, da giầy đã đóng góp hơn 62 tỷ USD, bằng 24% kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2019.

Trên cơ sở tình hình thực tiễn của ngành Dệt may – Da giầy thế giới và Việt Nam, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương và các Hiệp định FTA được ký kết, mở ra cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp Dệt may – Da giầy, khi Việt Nam là một trong các nước thành viên.

“Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học cho ngành sợi, dệt, nhuộm và may sẽ tăng cao” - PGS.TS Phan Thanh Thảo cho hay.

Hoạt động sinh hoạt công dân sinh viên giới thiệu ngành nghề, trao học bổng doanh nghiệp cho sinh viên của Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang.
Hoạt động sinh hoạt công dân sinh viên giới thiệu ngành nghề, trao học bổng doanh nghiệp cho sinh viên của Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang.

Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là cơ sở duy nhất đào tạo trình độ đại học (cử nhân, kỹ sư) ngành Công nghệ da giầy. Được biết, 100% sinh viên học dệt may, da giầy và thời trang tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ra trường đều có việc làm với mức lương khởi điểm 7-15 triệu.

Với số lượng lớn các nhà máy sợi, dệt, nhuộm, may, da giầy trên cả nước, cơ hội việc làm của sinh viên là rất lớn.

“Học dệt may ở Bách khoa, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức chuyên sâu cũng như thực tế để bảo đảm chuẩn đầu ra của Trường. Thế mạnh của dệt may Bách khoa chính là những kiến thức nền tảng đặc biệt mà chỉ nhà trường mới có. Sau khi ra trường, sinh viên có thể trở thành kỹ sư công nghệ, thiết kế sản phẩm; quản lý kỹ thuật; quản lý, điều hành sản xuất tại các doanh nghiệp; giảng viên, nhà nghiên cứu tại các trường ĐH, CĐ, viện nghiên cứu, trung tâm kiểm định chất lượng dệt, may, thời trang, da giầy; tự khởi nghiệp; học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tại Việt Nam hoặc nước ngoài.” -  TS Vũ Mạnh Hải, Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thông tin.

Hiện, các lĩnh vực được nhà trường đào tạo về lĩnh vực này gồm: Công nghệ sợi; Công nghệ dệt; Công nghệ nhuộm (Vật liệu và công nghệ hóa dệt); Công nghệ sản phẩm may; Thiết kế sản phẩm may; Thiết kế thời trang; Vật liệu và công nghệ sản phẩm da giầy.

Trao học bổng hỗ trợ từ doanh nghiệp cho các sinh viên xuất sắc của Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang
Trao học bổng hỗ trợ từ doanh nghiệp cho các sinh viên xuất sắc của Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang

Sinh hoạt công dân sinh viên giới thiệu ngành nghề, trao học bổng doanh nghiệp cho sinh viên là hoạt động được Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức thường niên. Hoạt động này nhằm mục đích tổng kết công tác học tập và rèn luyện của sinh viên các khóa trong năm học 2019-2020, tạo điều kiện cho các em sinh viên có cơ hội giao lưu trực tiếp để tìm hiểu thông tin về ngành nghề với các doanh nghiệp dệt, may, da giầy trong cả nước.

Dịp này, 75 sinh viên của Viện Dệt may – Da giầy và Thời trang có thành tích học tập tốt được nhận học bổng hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong ngành với tổng trị giá trên 312 triệu đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã có những hỗ trợ cho hoạt động sinh viên của Viện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ