Hơn 93.000 học sinh Kon Tum thiếu thiết bị học online, giáo viên đến từng buôn dạy trò

GD&TĐ - Bước vào năm học mới, toàn tỉnh Kon Tum có hơn 93.000 học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Ngành Giáo dục Kon Tum đã triển khai một số giải pháp nhằm đảm bảo công tác dạy và học.

Không có đủ điều kiện học trực tuyến, giáo viên tại Kon Tum dạy cho học sinh theo từng nhóm nhỏ ở nhà rông.
Không có đủ điều kiện học trực tuyến, giáo viên tại Kon Tum dạy cho học sinh theo từng nhóm nhỏ ở nhà rông.

93.246 học sinh chưa có thiết bị học online

Năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, nhiều tỉnh thành bố trí cho học sinh học trực tuyến. Mặc dù Kon Tum chưa có ca Covid-19 nào trong cộng đồng, nhưng để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên và học sinh, ngành Giáo dục cũng bố trí cho các em học tập theo hình thức phù hợp tại địa phương.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Kon Tum, toàn tỉnh có 119.700 học sinh, trong đó có 26.454 học sinh học trực tuyến. Còn lại 93.246 em chưa có thiết bị. Cụ thể, cấp tiểu học có 42.888 em, cấp THCS 34.224 em và cấp THPT có 4.421 em chưa có thiết bị đáp ứng việc học trực tuyến. Đặc biệt, các huyện Ia H’Drai, huyện Tu Mơ Rông 100% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Bên cạnh việc thiếu thiết bị, 8/10 huyện, thành phố tình trạng hạ tầng viễn thông không mạnh.

Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, trước tình trạng trên, đơn vị đã lên các phương án đảm bảo công tác dạy và học trong điều kiện dịch bệnh.

Cụ thể, ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến, áp dụng đối với học sinh có điều kiện theo học trực tuyến (không bắt ép học sinh phải mua thiết bị để học tập). Theo đó, biên chế thành các lớp học trực tuyến, sắp xếp thời khóa biểu học tập linh hoạt, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tận dụng tối đa phương tiện học tập (máy tính, điện thoại,…) hiện có của cha mẹ.

Ngành Giáo dục cũng khuyến khích các em học cùng lớp, ở gần nhà nhau học theo nhóm nhỏ (2, 3 học sinh). Qua đó, chỉ cần sử dụng 1 phương tiện học trực tuyến có thể vào lớp học, có cơ hội thảo luận, giúp đỡ nhau trong học tập.

Bên cạnh đó, học sinh, phụ huynh có thể tham khảo các trang học liệu như: Kho học liệu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kho học liệu trực tuyến của Đại học sư phạm Hà Nội hoặc sách giáo khoa điện tử (đối với lớp 6)…

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Kon Tum cũng áp dụng hình thức dạy học trực tiếp đối với các trường PT DTNT,  phân hiệu và các trường PT DTBT THCS (nếu đảm bảo các điều kiện tổ chức ăn, ở,… cho học sinh trong suốt thời gian học tập tại trường).

Theo đó, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương để vận động học sinh (kể cả học sinh không có chế độ nội trú, bán trú), tạo điều kiện để các em vào ở tập trung tại trường. Bên cạnh đó, quản lý nghiêm học sinh trong quá trình học tập, ăn, ở, sinh hoạt tại nội trú của nhà trường. Đồng thời, quán triệt đến cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc thực hiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 để dạy học trực tiếp.

Khuyến khích học sinh học theo nhóm nhỏ

Học sinh Trường Tiểu học, THCS Trần Hưng Đạo học trực tuyến theo nhóm nhỏ từ 2-3 em.
Học sinh Trường Tiểu học, THCS Trần Hưng Đạo học trực tuyến theo nhóm nhỏ từ 2-3 em.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Kon Tum khuyến khích các cơ sở giáo dục dạy học theo hình thức học tập có hướng dẫn. Hình thức này, áp dụng đối với học sinh không thể học trực tuyến và trực tiếp tại trường. Cụ thể, học sinh theo khối lớp, theo từng địa bàn, lịch học tập có hướng dẫn phù hợp. Trên cơ sở đó, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện về địa điểm để học sinh học tập theo nhóm nhỏ. Qua đó, giáo viên đến thực hiện việc hướng dẫn học sinh học tập.

“Bên cạnh việc tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với học sinh địa phương, đơn vị đã lên các phương án để ứng phó nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, hưởng ứng lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” đơn vị sẽ kêu gọi nhà hảo tâm, tổ chức đoàn thể hỗ trợ máy tính, điện thoại cho học sinh, đảm bảo việc học trực tuyến. Ngoài ra, học sinh trên địa bàn Kon Tum chủ yếu sống theo thôn, làng nên đơn vị cũng sẽ huy động các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ tivi, để học sinh có thể học theo nhóm nhỏ”, Giám đốc Sở cho biết.

Cô Nguyễn Thị Hoàn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học –THCS Trần Hưng Đạo (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho hay, năm học 2021-2022, cấp THCS có tổng cộng 595  học sinh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhà trường tổ chức cho học sinh học trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 30% học sinh cấp THCS chưa có thiết bị học trực tuyến.

Để đảm bảo công tác dạy học, nhà trường vận động các bậc phụ huynh cho con em mình mượn điện thoại, máy tính học trực tuyến. Những em nào hoàn cảnh khó khăn nhà trường khuyến khích học sinh học theo nhóm nhỏ, khoảng 2-3 em.

“Mặc dù trường khuyến khích học sinh ở gần nhà nhau tập trung học theo nhóm nhỏ từ 2-3 người. Tuy nhiên, nhà trường vẫn tuyên truyền, vận động học sinh đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, cô Hoàn nói.

Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Hương, giáo viên Trường Tiểu học Đặng Trần Côn cho hay, năm học này 479 học sinh của trường đều là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện để mua sắm thiết bị học trực tuyến.

Chính vì vậy, các giáo viên trong trường phân chia nhau về từng thôn, làng giảng dạy cho học sinh. Nhà trường mượn tạm nhà rông để giảng dạy cho các em theo từng nhóm nhỏ vừa đảm bảo công tác dạy học và phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, cô Hương cho hay, điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tại nhà rông không đảm bảo như học trực tiếp trên trường. Chính vì vậy, giáo viên phải linh hoạt thay đổi, phù hợp với điều kiện địa phương và đảm bảo cho học sinh tiếp thu được kiến thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.