Hào hứng tham gia mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Sau 3 năm thực hiện thí điểm mô hình VNEN ở cấp tiểu học đạt được nhiều thành công, năm học 2015-2016, Thanh Hóa tiếp tục triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6 cấp THCS. 

Một lớp học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS Thiết Ống, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Một lớp học theo mô hình trường học mới ở Trường THCS Thiết Ống, huyện miền núi Bá Thước, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Một số trường học ở miền núi dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng vẫn hào hứng tích cực đăng ký tham gia dạy học theo mô hình mới.

Niềm tin vào sự đổi mới

Năm học 2015-2016, triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6 THCS, Thanh Hóa có 82 trường THCS (với 172 lớp 6 và 5.639 học sinh) đăng ký tham gia mô hình trường học mới. Trong đó, chủ yếu là học sinh đã học theo mô hình trường học mới VNEN ở cấp tiểu học. Đặc biệt, có một số trường dù học sinh lớp 6 chưa tham gia chương trình thí điểm này ở cấp tiểu học nhưng nhà trường vẫn tích cực đăng ký tham gia.

Tại huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) có 3 trường THCS đăng ký tham gia học theo mô hình trường học mới là trường THCS Điền Trung, THCS Điền Lư và THCS Thiết Ống với tổng 263 học sinh.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước - chia sẻ: Mô hình trường học mới VNEN thực hiện thí điểm ở bậc tiểu học có nhiều ưu điểm, đặc biệt đối với học sinh miền núi: Các em được trang bị những kỹ năng về giao tiếp; mạnh dạn và tự tin hơn… 

Vì vậy, sau khi thấy được những mặt tích cực mà mô hình dạy học mới này đem lại, huyện Bá Thước đã nhân rộng mô hình này, từ 3 trường đăng ký theo dự án, đến nay đã có thêm 11 trường tiểu học đăng ký tham gia.

Hiện nay, huyện Bá Thước có 14/31 trường tiểu học của huyện duy trì mô hình trường học mới và có 3 trường THCS đăng ký tham gia thí điểm. Các trường đăng ký tham gia với tinh thần tự nguyện, tin tưởng vào mô hình trường học mới mang lại cho học sinh phương pháp học tập hiệu quả hơn so với phương pháp dạy học truyền thống.

Tuy nhiên, năm học mới này là năm đầu tiên thực hiện mô hình trường học mới ở cấp THCS nên cũng có một số khó khăn về cơ sở vật chất, vì không có nguồn kinh phí hỗ trợ nên toàn bộ chi phí đều do nhà trường tự lo; nhiều học sinh chưa tham gia ở cấp tiểu học đang còn bỡ ngỡ với phương pháp học mới này.

Thầy Hà Văn Chinh - Hiệu trưởng trường THCS Thiết Ống (huyện Bá Thước) - cho biết: Trường THCS Thiết Ống có hơn 450 học sinh, trong đó có 3 lớp 6 với 106 học sinh (có 40 học sinh chưa tham gia mô hình VNEN ở cấp tiểu học). Năm học này, nhà trường đăng ký dạy học theo mô hình trường học mới cho khối lớp 6. 

Theo đánh giá ban đầu, những học sinh đã tham gia mô hình VNEN có kỹ năng giao tiếp tốt, tự tin mạnh dạn hơn. Để các học sinh chưa được tiếp cận với mô hình trường học mới nhanh chóng bắt nhịp cùng các bạn, nhà trường đã sắp xếp xen kẽ các em này với các em đã được học VNEN vào các nhóm với nhau để các em học hỏi lẫn nhau và hướng dẫn nhau trong các hoạt động học tập.

“Nhận thấy đây là mô hình trường học mới phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới nên giáo viên rất nhiệt tình, hào hứng đón nhận. Tuy nhiên, trong 8 môn học, có môn ngoại ngữ giáo viên chưa được tập huấn dạy học theo mô hình trường học mới. Ngoài ra, hiện nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá, xếp loại cho học sinh bậc THCS theo mô hình trường học mới”- Thầy Chinh chia sẻ thêm.

Sự đồng lòng toàn xã hội

Để thực hiện có hiệu quả mô hình trường học mới ở cấp THCS, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD&ĐT triển khai tuyên truyền và phổ biến về chủ trương, giải pháp triển khai mô hình trường học mới ở cấp tiểu học và THCS. Đặc biệt là mục đích, ý nghĩa của mô hình trường học mới trong việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.

Ông Hoàng Văn Giao - Phó trưởng phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) - cho biết thêm: Mô hình trường học mới triển khai ở lớp 6 có nhiều thuận lợi. Đa phần học sinh đã được làm quen với phương pháp dạy học này ở cấp tiểu học. 

Đặc biệt, sau khi phổ biến về mô hình trường học mới đã được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương động viên và hỗ trợ về cơ sở vật chất để các nhà trường yên tâm thực hiện mô hình trường học mới hiệu quả, như: Tại nhiều huyện (huyện Bá Thước, huyện Hậu Lộc…) các trường THCS cơ sở vật chất còn khó khăn chưa có phòng học Tin học (1 trong 8 môn học của mô hình trường học mới), nhà trường được các cấp chính quyền địa phương sẵn sàng hỗ trợ trang bị phòng Tin học phục vụ hoạt động dạy học của nhà trường.

Ngoài ra, Theo chương trình dạy học của mô hình trường học mới, bộ sách hướng dẫn học gồm 8 môn học, trong đó có những môn tích hợp với giá khoảng gần 400.000 đồng/bộ. Bộ sách này thay thế toàn bộ SGK, sách bài tập truyền thống; học sinh dùng thường xuyên để tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên; dùng cho cả giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh; sách có thể sử dụng qua nhiều năm. 

Các nhà trường đã tổ chức tuyên truyền và giải thích để phụ huynh hiểu rõ hơn về bộ sách. Vì vậy, phụ huynh học sinh đều đồng tình ủng hộ.

Để đảm bảo cho tất cả các học sinh tham gia mô hình trường học mới đều có sách học, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng đề nghị các địa phương hỗ trợ kinh phí và sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường để mua sách trang bị cho thư viện nhà trường sử dụng làm sách dùng chung cho các đối tượng học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; học sinh tự nguyện thuê sách của thư viện và trả lại vào cuối năm học.

Ngoài ra, nhà trường hướng dẫn học sinh đã mua sách dùng riêng thì bảo quản sách tốt để sử dụng cho học sinh các năm sau; tổ chức mua lại sách của học sinh khóa trước để cho mượn hoặc bán lại cho học sinh khóa sau với giá rẻ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.