Hàng chục học sinh Mường Lát (Thanh Hóa) có nguy cơ bỏ lớp vì khó khăn tài chính

GD&TĐ - Hàng chục học sinh đang theo học tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ phải bỏ lớp vì quá khó khăn.

Học sinh khối 10 đang theo học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát (Thanh Hóa)
Học sinh khối 10 đang theo học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát (Thanh Hóa)

Chưa kịp mừng đã vội lo

Vào đầu năm học mới 2020 – 2021, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (Trung tâm) huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) vừa tuyển sinh được gần trăm học sinh.

Đây là lần đầu tiên Trung tâm này có số lượng học sinh nhiều như vậy. Vì, từ khi thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg của Chính phủ, Trung tâm của Mường Lát ngày càng ít học sinh.

Bởi lẽ, theo Quyết định 12/2013/QĐ-TTg, học sinh tại Trung tâm không được hưởng chính sách, trợ cấp tiền ăn, hỗ trợ học tập… như trường THPT công lập. Vì thế, có những năm Trung tâm của huyện Mường Lát không tuyển được học sinh nào.

Trước thực trạng nhiều năm Trung tâm Mường Lát không có học sinh, đã gây ra sự chán nản cho đội ngũ giáo viên ở đơn vị. Vì thế, ban lãnh đạo đơn vị đã đi tìm “lối thoát” cho vấn đề này.

Trung tâm đã xin ý kiến Sở LĐ,TB&XH, UBND huyện Mường Lát cho phép liên kết với Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn (Thanh Hóa), để đào tạo nghề cho học sinh.

Sau khi được cấp trên đồng ý, hai đơn vị đã tổ chức liên kết đào tạo cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề kết hợp với học lớp chương trình THPT hệ GDTX.

Nhờ đó, năm học 2020-2021, Trung tâm đã tuyển được hơn 80 học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện. Các em đăng ký học trung cấp nghề kết hợp với học lớp 10 THPT hệ GDTX tại Trung tâm huyện Mường Lát.

Ông Phạm Văn Chung- Phó giám đốc phụ trách Trung tâm, cho biết: “Vì sao Trung tâm Mường Lát lại tuyển sinh được hơn 80 học sinh vào học ở đây? Đó là, khi các em vào Trung tâm học, mà thuộc diện người dân tộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hưởng các mức học bổng và các chính sách theo Quyết định số 53/2015QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Đây là chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn cam kết với Trung tâm và học sinh, sẽ đảm bảo đầu ra (giải quyết việc làm) cho các em sau khi hoàn thành chương trình học”.

Học sinh ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát trong giờ học văn hóa.
Học sinh ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Mường Lát trong giờ học văn hóa.

Thế nhưng, sau 6 tháng theo học, hiện nay học sinh ở Trung tâm này đang có nguy cơ bỏ học vì chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Quyết định số 53/2015QĐ-TTg.

Em Va Văn Sự, nhà ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn (Mường Lát), đang học lớp 10 B tại Trung tâm, tâm sự: “Nhà em thuộc diện hộ nghèo. Bố, mẹ đều đi làm nương rẫy cả, nên khi nghe Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn và Trung tâm tuyển sinh, em đã đăng ký học.

Ngoài việc học văn hóa, em còn đăng ký theo học lớp nghề điện dân dụng. Thế nhưng, bây giờ học ở đây mà các em không được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, thì khó khăn lắm. Không biết chúng em có thể theo học được nữa không”.

Em Hà Văn Quỳnh, nhà ở bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát), cũng đang học lớp 10A, chia sẻ: “Lúc em học xong lớp 9 đã định không thi lên lớp 10 THPT nữa, mà theo bố mẹ đi làm nương, rẫy thôi.

Nhưng khi được các thầy, cô giáo phân tích, định hướng và chỉ cách cho em, nên em đăng ký vào học văn hóa và học nghề ở Trung tâm này.

Em đăng ký học nghề điện công nghiệp và điện dân dụng, để sau này có cơ hội kiếm việc làm dễ dàng hơn các nghề khác.

Lúc vào học, các em cũng nghe thầy giáo nói sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn học. Thế nhưng đến bây giờ không có gì cả, nên đã có một số bạn bỏ học vì gia đình rất nghèo”.

Bao giờ học sinh được hỗ trợ?

Ông Phạm Văn Chung - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm, chia sẻ: “Với tình trạng này, nguy cơ mấy chục học sinh ở Trung tâm sẽ bỏ học hết.

Bởi lẽ, đã 5 tháng qua, chúng tôi phải đi vay mượn để nuôi ăn cho học sinh. Thậm chí, ban giám đốc Trung tâm phải bỏ cả tiền lương ra để mua gạo, thức ăn hàng ngày cho các em.

Với số lượng mỗi ngày hơn 60 em ăn 2 bữa, mỗi em 28.000 đồng/ngày (2 bữa chính), thì mỗi tháng, chúng tôi phải chi gần 40 triệu đồng.

Tính đến nay, Trung tâm đã phải vay mượn từ nhiều nguồn, thậm chí phải lấy cả nguồn chi khác của đơn vị để nuôi các em ăn học, với tổng số tiền gần 200 triệu đồng.

Một điều thực tế là, nếu tình trạng này kéo dài thêm, thì chúng tôi không thể cáng đáng được nữa. Như vậy, khi không nuôi ăn bán trú cho học sinh được nữa, thì các em sẽ bỏ học là điều không thể tránh khỏi".

Do không được hỗ trợ kinh phí học tập, nhiều học sinh ở Trung tâm này đã bỏ học vì điều kiện quá khó khăn.
Do không được hỗ trợ kinh phí học tập, nhiều học sinh ở Trung tâm này đã bỏ học vì điều kiện quá khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo GD&TĐ, vào đầu năm học, do có sự chấp thuận của các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa, nên Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn và Trung tâm GDNN - GDTX Mường Lát mới liên kết được với nhau để tuyển sinh.

Ngày khai giảng, có 81 học sinh theo học văn hóa và học nghề. Trong đó, trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn đưa vào dạy 3 nghề, gồm: May thời trang, Điện công nghiệp - điện dân dụng và một lớp nghề hàn. Tuy nhiên, đến nay ở Trung tâm này chỉ con 70 học sinh theo học.

"Trước tình trạng này, chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện và tha thiết mong các cơ quan cấp trên xem xét, hỗ trợ cho Trung tâm.

Bởi lẽ, sau khi khai giảng được một tháng, phụ huynh học sinh cũng không có điều kiện đóng góp tiền ăn cho con, em của họ. Nếu học sinh không được hỗ trợ kinh phí, thì các em sẽ bỏ học hết.

Giờ đây, Trung tâm đã hết khả năng vay mượn kinh phí để nuôi học sinh. Mặc dù chúng tôi cũng đã vận động phụ huynh học sinh cùng chung tay với Trung tâm, đóng góp một phần cho các em ăn học thế nhưng, cũng chỉ được một tháng đầu năm học thôi.

Bây giờ, mọi chuyện đều do Trung tâm đứng ra cáng đáng. Trong khi đó, Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn cũng không có trách nhiệm gì, hoặc cùng chung tay gánh vác với Trung tâm về vấn đề này", ông Chung lo lắng.

Máy móc và thiết bị phục vụ dạy nghề ở Trung tâm đã được Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, nguy cơ học sinh bỏ lớp đang rất cao vì quá khó khăn.
Máy móc và thiết bị phục vụ dạy nghề ở Trung tâm đã được Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, nguy cơ học sinh bỏ lớp đang rất cao vì quá khó khăn.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Tình trạng khó khăn dẫn đến nguy cơ học sinh ở Trung tâm GDNN- GDTX huyện là có thật.

“Lãnh đạo huyện cũng rất trăn trở về vấn đề này. Bởi lẽ, năm học 2020- 2021, là một năm mà Trung tâm này thu hút được nhiều học sinh như vậy.

Với cách liên kết đào tạo giữa Trung tâm và Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn là rất đáng ghi nhận và nên khích lệ.

Sau khi tuyển sinh xong, Trung tâm là nơi đặt địa điểm dạy học và đào tạo nghề. Còn Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn là đơn vị đưa máy móc, thiết bị thực hành cùng giáo viên lên để dạy cho học sinh, là một điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.

Tuy nhiên, từ đầu năm học đến nay, 80 học sinh của Trung tâm chưa được nhận hỗ trợ theo Quyết định 53/2015 QĐ -TTg là rất thiệt thòi cho các cháu. Đặc biệt, điều này gây cho Trung tâm đã khó khăn lại càng khó khăn hơn"", ông Bình thông tin.

Cũng theo ông Bình, trước vấn đề khó khăn ở Trung tâm GDNN-GDTX của địa phương, UBND huyện Mường Lát đã gửi báo cáo về UBND tỉnh, đề nghị tìm hướng giải quyết chế độ cho học sinh.

"Hiện nay, huyện Mường Lát cũng đang chờ cách giải quyết từ tỉnh. Còn việc Trung tâm khó khăn như vậy, thì huyện cũng chưa thể làm được điều gì. Dù biết rằng Trung tâm cực kỳ khó khăn, nhưng huyện cũng không thể lấy ngân sách ra hỗ cho học sinh ở đó được. Rất mong UBND tỉnh sớm có chỉ đạo các ngành liên quan giải quyết vấn đề này", ông Bình đề nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ