Đưa Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước

GD&TĐ - Từ chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp chính quyền, ngành GD-ĐT Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, tạo được những chuyển biến tích cực, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Bí thư Thành ủy Hà Nội dự lễ khai giảng tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình)
Bí thư Thành ủy Hà Nội dự lễ khai giảng tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình)

Giáo dục Hà Nội phát triển cả về quy mô và chất lượng

Nhiệm kỳ 2015-2020, ngành GD-ĐT Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu đề ra. Quy mô giáo dục có bước phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. Chất lượng giáo dục duy trì ổn định và từng bước được nâng lên vững chắc. Các cấp, ngành của thành phố đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại.

Hà Nội thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng, nhất là khu vực nội thành và các khu vực đô thị hóa nhanh. Thành phố đã tập trung ưu tiên đầu tư cho 686 trường học thuộc các huyện, thị xã với mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng; cải tạo, xây mới 60 dự án trường học với tổng kinh phí hơn 3.700 tỷ đồng.  

Một trong những kết quả quan trọng trong công tác đầu tư hạ tầng giáo dục giai đoạn 2016-2020 là việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của thành phố Hà Nội. Tính đến năm 2020, tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn quốc gia của thành phố là 75%, hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

So với năm 2015, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng 21,7%. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, trong đó có nhu cầu "du học tại chỗ", thành phố Hà Nội đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thí điểm đào tạo chương trình song bằng. Triển khai cơ chế giao quyền tự chủ gắn với xây dựng trường chất lượng cao ở các cấp học với 19 trường công lập chất lượng cao. Mô hình này giúp học sinh tiếp cận được với những nội dung, phương pháp giáo dục tiên tiến.

Hiện, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước, trong đó 100% giáo viên đứng lớp ở các cấp học, bậc học có trình độ đào tạo đạt chuẩn.

Chất lượng giáo dục đại học trên địa bàn được nâng cao, nhiều trường tích cực đổi mới, tiệm cận với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới. Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có tên trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới…

Không chỉ bứt phá về chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố Hà Nội cũng có sự khởi sắc mạnh mẽ. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đạt 99,17%, tăng hơn 8% so với năm 2015.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, toàn diện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, giai đoạn 2016-2020, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của thành phố Hà Nội luôn đạt thành tích xuất sắc; là địa phương đạt kết quả toàn diện trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Trong 5 năm qua, Hà Nội liên tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Năm 2020, học sinh THPT của Thủ đô đã giành được 338 giải và huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế, tăng gấp hơn 30 lần so với năm 2015.

Giáo viên Hà Nội chủ động thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới
Giáo viên Hà Nội chủ động thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới

Trung tâm GD-ĐT chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: Mục tiêu Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2025 là phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu đó, TP xác định tập trung vào 5 định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Trong các định hướng này, Đảng bộ Thành phố nhấn mạnh đến nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Từ những chủ trương đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp chính quyền, ngành GD&ĐT Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, tạo được những chuyển biến tích cực mới, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có tầm cỡ khu vực, ngành GD-ĐT Hà Nội luôn xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để cùng với cả nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ngành sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, tổ chức kỳ thi và tuyển sinh an toàn, nghiêm túc.

Đổi mới công tác quản lý giáo dục; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục tham mưu các cấp bổ sung, hoàn thiện và đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo.

Thời gian tới, ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục bám sát Nghị quyết 29 NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo; đồng thời bám sát phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng bộ Thành phố Hà Nội, chú trọng phát triển công tác giáo dục một cách hiện đại, hội nhập quốc tế nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ