Gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn

GD&TĐ - Tìm đến những bản vùng sâu, vùng cao phía Tây tỉnh Quảng Trị chúng tôi gặp những giáo viên cắm bản, dạy học giữa heo hút đại ngàn Trường Sơn. 

Gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn
Gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn ảnh 1Gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn ảnh 2Gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn ảnh 3Gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn ảnh 4

Ở nơi thâm cốc xa xôi, không một ánh điện mờ chiếu trên trang giáo án nhưng thầy Hồ Văn Hải - 36 tuổi, người Vân Kiều ở bản Hùn Dốc (xã Pa Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn tận tụy, bám lớp, bám trường. 

Hàng ngày, tiếng đọc bài í ới của 6 đứa trẻ nhỏ và lời giảng vanh vách của thầy Hải dường như đã làm mờ đi cái nắng nghiệt ngã của dải đất miền Trung gió Lào

Thầy giáo như mẹ hiền

Bản Hùn Dốc nằm trên đỉnh núi Hùn, cách trung tâm xã chừng 15 km, thuộc Điểm trường Xa Ry - Trường THCS Pa Tầng. Khoảng cách không quá xa nhưng đường xá khó khăn là một vật cản lớn đối với người dân nơi này. 

Con đường lên bản Hùn Dốc thật đúng như tên gọi của nó: những con dốc dài dựng đứng tưởng chừng như muốn lộn ngược mỗi khi xe gặp ổ gà, ổ voi. 

Mùa này rừng Trường Sơn khô khốc. Hai bên đường cỏ vàng quạch như vừa trải qua một cơn cháy rừng. Những đám cà phê ít ỏi của người đồng bào Vân Kiều đang đơm hoa giữa thời tiết khô hạn. 

Khi đang đẩy chiếc xe máy qua một vũng nhão nhoét đầy bùn, thầy Hữu Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Pa Tầng  - nói: “Thế này chưa thấm vào đâu các chú à, phải mất hơn gần 2 tiếng đồng hồ, vượt mấy con dốc nữa mới vào được tận bản. Đứng trên dốc mà nhìn người dưới dốc thì chỉ như con kiến đang bò dưới kia thôi. Mùa này đường đi còn đỡ, vào mùa mưa thì bùn lên tận nửa bánh xe”. 

Chiếc xe máy của chúng tôi leo qua những con dốc cuối khi hoàng hôn vùng cao đại ngàn Trường Sơn vừa buông xuống. Trời nhá nhem tối, dừng chân tại điểm trường, chúng tôi càng hiểu hơn những khó khăn, vất vả của thầy Hải khi đã quyết tâm chọn cho mình nghề giáo - “nghề cao quý nhất”.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến bản Hùn Dốc là 11 ngôi nhà “thoi thóp” giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, cuộc sống của 34 nhân khẩu chủ yếu dựa vào nương rẫy, tự cung tự cấp, ít giao thương với bên ngoài nên còn nhiều hủ tục lạc hậu. 

Ở đây, chỉ duy nhất có một lớp học đặc biệt với 6 học sinh và 1 giáo viên phụ trách. Lớp học đã được mở ra từ 7 năm. Lý do được thầy Hùng cho biết: “Do không đủ số lượng nên không mở được lớp quy mô, các em còn nhỏ, đường đến điểm trường Xa Ry cách 5km khó đi nên việc mở lớp dạy tại chỗ là hợp lý”.

Năm 2013, khóa học đầu tiền gồm 5 học sinh học xong tiểu học ở lớp này, sau khi lên cấp 2 có 3 em ra trường chính ở trung tâm xã học, 2 học sinh giỏi được chuyển thẳng ra trường nội trú huyện Hướng Hóa. Khóa học thứ 2 gồm 6 học sinh do thầy Hồ Văn Hải đứng lớp. 

Do đường xá khó khăn, giáo viên phải trụ lại cắm bản làm “công dân” của bản làng. Nói lớp học cho “hoành tráng” vậy thôi, thật ra đây là một ngôi nhà như những ngôi nhà bình thường hơn là lớp học. 

Nhà trên là lớp học được ngăn cách với nhà dưới bằng bậu cửa. Dưới đó là bếp nấu ăn và chỗ nghỉ ngơi của thầy Hải. Lớp học vây quanh ván, lợp bằng tồn phibrôximăng, nền đất với lớp bụi dày. 

Chúng tôi có mặt ở lớp học đặc biệt này vừa lúc chuẩn bị tan lớp. Để cho kịp bữa cơm tối, tranh thủ học sinh học bài, thầy Hải quay xuống bếp nhen lửa nấu nồi cơm. 

Thấy lãnh đạo nhà trường và khách, thầy Hải lau vội hai bàn tay rồi chìa ra bắt chúng tôi bằng những cái bắt tay thật chặt. Những hình ảnh thật xúc động khiến chúng tôi có cảm giác dường như ở chốn thâm sơn cùng cốc này, những vị khách không mời là một đặc ân để thầy hướng về thế giới bên ngoài vậy.

Cho cả lớp nghỉ. Thầy kéo ghế, chế trà đãi khách rồi tâm sự. Quê ở Gio Linh, đầu năm 2014 thầy tạm biệt vợ và hai con lên với bản Hùn Dốc xa xôi này. Cũng là người đồng bào Vân Kiều, nên việc hòa nhập vào đời sống mới ở bản Hùn Dốc rất dễ dàng. 

“Mới đầu lên đây mình không quen khí hậu, đau ốm liên miên. Nhiều đêm tĩnh giấc giữa đêm, nghe tiếng côn trùng kêu mà nhớ nhà. Nhưng rồi quen dần. Mình có bản làng đùm bộc và lũ trẻ là nguồn vui lớn”.

Thầy Hải cho biết. Đêm đến, để giải trí trước khi đi ngủ, phương tiện duy nhất là chiếc radio. “Nhưng nguồn điện từ máy phát cứ chập chờn không nghe được lâu. Muốn có một máy năng lượng mặt trời để dùng lắm”. 

Thầy cho biết. Do lợi thế biết tiếng dân tộc Vân Kiều nên thầy Hải có thể truyền đạt kiến thức cho 6 học trò một cách tỷ mỷ. Thầy và trò cứ gần gũi nhau như anh em, như cha con, là người một nhà nên các em tiến triển rất nhanh. 

“Dù số lượng ít nhưng chúng tôi vẫn dạy nghiêm túc. Các em mạnh dạn hỏi bài, trao đổi chứ không rụt rè như các lớp học có số lượng ở các trường. Đó là lợi thế của lớp học này” - Thầy Hải tâm sự.

Chỉ sợ em bỏ học làm thầy buồn

Cứ mỗi đầu năm học, anh em giáo viên nhà trường cùng với các chiến sỹ ở Đồn Biên phòng Pa Tầng và người dân địa phương mua vật liệu gia cố thêm ngôi nhà. 

Mặc dù vậy nhưng đến thời điểm này, những cột chính của ngôi nhà đã bị mối mọt ăn. “ Các anh đừng lo, rồi nhà trường sẽ tổ chức lao động cuối tuần để thay thế ngay nếu thấy không ổn” - Thầy Hải khẳng định.

Mỗi tuần một lần, thầy Hải xuống trung tâm xã hoặc ra chợ Tân Long mua thức ăn về dự trữ. Không điện, không tủ lạnh nên để dự trữ thức ăn cho cả tuần thì phải mua thức ăn khô: Cá khô, cá nướng, cá hộp… Có một điều rất may mắn, người dân nơi này xem thầy Hải như người nhà. 

Mỗi lần trời mưa dài ngày, đường lầy không xuống núi được là các hộ gia đình góp thức ăn nuôi thầy. Mỗi bữa người thì góp cá, người góp miếng thịt, bó rau… 

Sự keo sơn giữa thầy và đồng bào nơi này như một sự trả ơn, theo cách lý giải của già làng Hồ Văn Nghĩa (Ăm Nghĩa): “Chúng tôi xem thầy Hải như người con của bản làng, còn thầy Hải xem học trò như con của mình. Cha con thì phải đùm bộc nhau”.

Nói về những kỷ niệm, thầy Hải cho biết: “Hơn một năm đứng lớp học đặc biệt này, kỷ niệm với 6 học trò thì nhiều. Trong đó những chiều cuối tuần dắt chúng xuống suối cắt tóc và tắm. Đứa nào cũng gầy như cái que khô vậy. Nhìn mà chảy nước mắt”. 

Được cái may mắn là điều kiện khó khăn, cực khổ thế nhưng các em lại hiếu học và học giỏi. “Mưa hay nắng các em vẫn đến trường đều đặn. Trừ trường hợp đau ốm, chứ các em xem việc đến trường là niềm vui lớn, do số lượng học sinh ít nên việc giám sát, theo dõi và bổ túc kiến thức của từng em rất dễ dàng”.

Mặc dù hạn chế về số lượng, nhưng chất lượng lớp học này rất cao. Minh chứng cho điều này là ở khóa trước có 2 em sau khi học xong ở lớp này đã đạt tiêu chuẩn để ra trường nội trú huyện Hướng Hóa học tiếp.

Một điều trăn trở về lớp học đặc biệt này được thầy giáo Nguyễn Bá Tam - Hiệu trưởng Trường THCS Pa Tầng - chia sẻ: “Đất nước đang còn nghèo nên điều kiện vật chất trang bị các trường vùng miền núi, vùng sâu còn khó khăn. Cơ sở vật chất từ từ sẽ có bằng nhiều nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên vấn đề còn lại là học trò. Chúng tôi chỉ sợ thiếu học trò”. 

Trong tương lai sau lớp học này, nhà trường sẽ khảo sát lại nếu không có số lượng thì lớp học ở bản Hùn Dốc này cũng phải xóa sổ.

Chia tay Hùn Dốc, chia tay thầy Hồ Văn Hải và những ánh mắt học trò trong buổi chiều vùng biên giới, hoang hoãi, mờ hồ. Bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, thầy Hải không quản ngại khó khăn, vất vả, thiếu thốn, tình nguyện ở lại nơi bản nghèo heo hút để mang cái chữ đến cho học sinh. 

Dẫu rằng, con đường đi tìm cái chữ của học sinh vùng cao còn nhiều gian nan. “Khi đã yêu nghề, mến học trò, xem học trò như con thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua”. Chiếc xe máy lao xuống dốc rồi mà lòng người về như còn nghe lời thầy Hồ Văn Hải văng vẵng đâu đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ