Giáo viên thay đổi để được hạnh phúc

GD&TĐ - Nghề giáo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. GV vì thế cũng chịu nhiều áp lực trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Điều cần thiết nhất hiện nay là GV cần thay đổi chính mình, vượt lên mọi áp lực để từng bước xây dựng lớp học hạnh phúc và trường học hạnh phúc.

GV thay đổi để được hạnh phúc, tại sao không? 	Ảnh: Sỹ Điền
GV thay đổi để được hạnh phúc, tại sao không? Ảnh: Sỹ Điền

Kỷ luật có là sức mạnh?

Trước đây, mỗi giờ lên lớp cô giáo Lê Thị Nếp - Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà, Thái Bình) thường mang theo cái thước dài cả mét. Cô tâm sự: Ngày bé, mỗi lần nhìn thấy GV gõ nhịp cây thước trên tấm bảng thì cô lại có một khát khao cháy bỏng rằng, một ngày nào đó mình sẽ trở thành cô giáo. “Tôi luôn đặt ra một câu hỏi, tại sao nghề giáo thân thương ấy lại được gọi một cái tên rất khác lạ, đó là nghề “gõ đầu trẻ”. Sau này khi ra trường và bước vào những năm đầu công tác, tôi đã tự hiểu và có câu trả lời cho mình”, cô Nếp bộc bạch.

Cô Nếp chia sẻ, nghề giáo thường ngày tiếp xúc với những đối tượng được gọi là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là nó”. Vậy thì chuyện ức chế, bực dọc là đương nhiên. Dưới áp lực của kiến thức về chương trình, của phụ huynh HS và của chính bản thân GV là luôn mong muốn lớp mình phụ trách phải hoàn hảo, HS phải chăm ngoan và vâng lời. Cô đã đi theo một lối mòn truyền thống, muốn HS nền nếp thì siết chặt kỷ luật, kỷ cương; Muốn HS học bài và làm bài chăm chỉ thì kỷ luật những HS lười biếng; Muốn HS ngoan, đoàn kết, yêu thương thì kỷ luật những em hay gây gổ trong lớp và đặc biệt những HS có thái độ “lồi lõm”. Thậm chí cô còn đưa ra một khẩu hiệu “kỷ luật là sức mạnh”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Để các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui thực sự, chứ không phải là khẩu hiệu. Ảnh: Q.Khánh

“Tôi muốn lớp tôi phụ trách phải hoàn hảo, quy củ như trong môi trường quân đội. La mắng: Có; quát tháo: Có; dọa nạt: Tất nhiên là có; thậm chí có thể đánh đòn nữa. Đổi lại tôi cũng gặt hái được một số thành công, HS của tôi đã vào lớp cô Nếp là nền nếp rồi, dù có bướng mấy nhưng một thời gian cũng đâu vào đấy, cũng theo quy củ và HS ngoan, răm rắp nghe theo lời của cô giáo. Những giấy khen mà tôi nhận được hàng năm thì tôi tự hào, nghĩ rằng mình đã đi đúng hướng” - cô Nếp nhớ lại và tự đặt cho mình câu hỏi: Đạt được những thành công ấy mình có thực sự hạnh phúc không?

Cô cho biết, đã có những phút cô “đứng hình” trên bục giảng khi nhận những phản ứng ngược từ học trò, những lườm nguýt, những lẩm bẩm không rõ lời nhưng nội dung thì ai cũng hiểu, những cái nắm tay “bí mật” giơ lên đằng sau cô. Có những ức chế không thể nói bằng lời và những giọt nước mắt phải nuốt ngược vào trong. “Tôi không bao giờ được nghe những lời bộc bạch, tâm sự của các em. Các em cứ xa lánh tôi và thu mình lại, xây một bức tường làm lá chắn cho mình” - cô Nếp nhắc lại chuyện cũ. Cô cho biết, may được tham gia Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, cô đã có dịp nhìn lại toàn bộ quá trình mình đã đi qua. Cô đã nhận ra rằng, kỷ luật là sự thất bại của các phương pháp GD.

“Bạo hành sẽ sinh ra bạo hành. Người GV xuất sắc là người phải biết khơi những đam mê của HS và biết phát huy những nội lực mà các em có được. Chính vì thế, tôi đã dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe HS. Tôi đã rời xa bục giảng nhiều hơn để tới gần với các em, ngồi vào vị trí của các em mà thấu hiểu. Mỗi bài học tôi đã lồng ghép những giá trị sống tích cực, giúp các em hình thành những kỹ năng cần thiết để trở thành một người tốt. Tôi không tiếc 3 - 5 phút để khởi động tiết học bằng một câu hát, mẩu chuyện hay một trò chơi và không quên kết thúc bằng một nụ cười” - cô Nếp chia sẻ.

Khi thay những lời lẽ chỉ trích phê phán HS bằng những lời động viên khen ngợi và khuyến khích các em, cô Nếp đã nhận được sự tương tác của học trò. Các em trao cho cô niềm tin nhiều hơn, xóa đi khoảng cách thầy trò mà trước đây chúng đã từng xa cách. Đến bây giờ, vòng luẩn quẩn áp lực, bạo hành không còn là vấn đề của cô nữa. “Thay đổi để được hạnh phúc. Tại sao lại không làm? Tôi sẽ vẫn sử dụng cây thước trong mỗi bài giảng của mình nhưng bây giờ cách thức sử dụng nó đã khác hơn trước rất nhiều và tôi hi vọng mọi người cũng sẽ như tôi, sẽ làm được điều đó” - cô Nếp bộc bạch.

“Cởi bỏ những chiếc áo không phù hợp”

Xây dựng những trường học hạnh phúc. Ảnh: Sỹ Điền
 Xây dựng những trường học hạnh phúc. Ảnh: Sỹ Điền 

Cho rằng, trường học không phải đơn thuần là nơi truyền thụ kiến thức, bồi dưỡng kiến thức cho HS mà còn là nơi bồi dưỡng cảm xúc, nuôi dưỡng cảm xúc cho các em. Thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) nhấn mạnh: Một trường học hạnh phúc, một trường học tuyệt vời nếu như chúng ta giúp HS nhìn nhận được đúng bản thân, nhận ra được chính mình là ai và thấy được sứ mệnh của mình.

“Từ một lớp học hạnh phúc ở trường, nó như một đốm lửa trong Trường THPT Trần Nguyên Hãn gồm 34 lớp. Trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường là phải làm thế nào đó để chúng ta có thật nhiều đốm lửa và trở thành những bó đuốc. Tôi nghĩ rằng, để có một trường học hạnh phúc, một trường học thay đổi thì người hiệu trưởng - người đứng đầu phải là người đầu tiên thay đổi” - thầy Quý nêu quan điểm.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu - Trưởng bộ môn Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Nhân vô thập toàn, không ai hoàn hảo”. Để có được những nụ cười của cả thầy và trò, những GV đã cực kỳ dũng cảm đồng hành với Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Họ đã nói ra những điều chưa phù hợp, những vết thương lòng mà họ cho là kẻ thù lớn nhất của đời mình.

“Chúng tôi đã chứng kiến những giây phút hết sức dũng cảm của các thầy, cô giáo. Đó là bước chân đầu tiên quan trọng nhất trong hành trình thay đổi của bất cứ một cá nhân nào. Chúng tôi quan niệm, thay đổi là một hành trình cực kỳ nỗ lực và bền bỉ. Đời người khổ nhất là không sống thật với chính mình, bất hạnh nhất là phải khoác trên mình rất nhiều chiếc áo không phù hợp. Do vậy, tám thầy cô tham gia Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” là minh chứng sống động đại diện cho hơn 1.000 GV đã đăng ký tham gia chương trình, dám cởi bỏ những chiếc áo không phù hợp và hạnh phúc đã đến với lớp học của họ” - PGS Trần Thị Lệ Thu cho hay.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Ánh mắt nụ cười trẻ thơ sẽ là một trong những động lực để đổi mới GD đi đến thành công
Ánh mắt nụ cười trẻ thơ sẽ là một trong những động lực để đổi mới GD đi đến thành công 

Trực tiếp được nghe các thầy, cô giáo và HS kể về những thay đổi của mình và thay đổi của lớp học hạnh phúc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ vui mừng trước những thay đổi tích cực đó. “Tôi nghe các thầy, cô chia sẻ rất nhiều nhưng những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất là: Gần gũi, yêu thương, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, chân thành, thay đổi và hạnh phúc. Tôi cho rằng, cụm từ này nghe có vẻ không xa lạ nhưng đạt được một cách thật lòng, chân thành thì không phải dễ dàng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, mọi thứ đều có thể thay đổi, nhưng suy nghĩ của chúng ta là: Thay đổi để tốt hơn, thay đổi để hạnh phúc. Vậy thì tại sao chúng ta không thay đổi? Ai cũng có những giá trị, HS cũng vậy, các em cũng có những giá trị rất lớn. Nhiệm vụ của chúng ta là đánh thức được tiềm năng và có niềm tin với các em. Vì thế, khi được thầy cô tin tưởng và khích lệ, truyền cảm hứng thì thành công sẽ đến nhanh hơn với các em.

Khẳng định, Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” là minh chứng sống động về truyền thông đối với GD cũng đã thay đổi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn giải: Có người nói rằng, thay vì nguyền rủa bóng đêm thì hãy thắp lên một que diêm. Chúng ta sẽ thay đổi từng bước, khích lệ từng phần để không chỉ thầy cô hạnh phúc mà rất nhiều người hạnh phúc và không chỉ một lớp học hạnh phúc, một trường hạnh phúc mà dần dần cả xã hội cùng hạnh phúc.

Nhấn mạnh rằng, tới đây các cán bộ làm quản lý GD cũng phải thay đổi, thậm chí phải thay đổi rất mạnh, Bộ trưởng tin tưởng rất lớn vào sự tâm huyết của các thầy, cô giáo. “Tôi rất tin các thầy, cô giáo thành công, để các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui thực sự, chứ không phải là khẩu hiệu. Với tinh thần ấy, tôi rất mong và tôi tin tưởng, tới đây các cán bộ quản lý GD thay đổi, phụ huynh cũng thay đổi. Dần dần tất cả chúng ta thay đổi để có sự lan tỏa sâu rộng. Từ đó, tất cả chúng ta sẽ thấy hạnh phúc” - Bộ trưởng bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ