Giáo dục tiểu học: Linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới

GD&TĐ - Năm học 2014 - 2015 là năm học giáo dục tiểu học áp dụng đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30. Điều này bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực HS. 

Giáo dục tiểu học:  Linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới

Trong năm học mới 2015 - 2016, nhiệm vụ của giáo dục tiểu học là tiếp tục chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm sinh lí học sinh tiểu học… Song song với đó, việc triển khai đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 sẽ tiếp tục được áp dụng linh hoạt và triệt để hơn.

Những thành quả trong năm học qua

Năm học 2014 – 2015 là năm học mà Bộ GD&ĐT đã có những công văn chỉ đạo mạnh mẽ trong việc chấn chỉnh vấn đề dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. 

Điều này đã nhận được sự đồng tình sâu rộng trong dư luận xã hội. Để thực hiện nghiêm túc Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, ngày 3/11/2014. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ thị cho Giám đốc các Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học ở địa phương: Tổ chức quán triệt đến từng giáo viên các quy định về dạy thêm, học thêm.

Cụ thể, đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: Hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; Nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; Khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày.

Một bước đột phá mới của giáo dục tiểu học trong năm học qua, đó là việc áp dụng Thông tư 30 đối với vấn đề đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. 

Việc cho điểm hàng ngày được thay thế bằng những nhận xét trong từng môn học đã tạo cơ hội cho học sinh sáng tạo, tự tin hơn trong việc lĩnh hội kiến thức. 

Nhiều chuyên gia giáo dục khi được hỏi về vấn đề này đã cho biết: Việc áp dụng những cái mới ban đầu thường có những khó khăn nhất định. 

Song tính ưu việt của việc đánh giá bằng nhận xét đối với HS so với việc cho điểm hàng ngày trước đây có thể nhận thấy rõ, đó là: Trong quá trình nhận xét thường xuyên trên lớp cũng như hàng tuần, người GV không chỉ nhận xét một cách chủ quan mà GV đối thoại, tương tác với HS trên lớp. 

Theo hướng dẫn của Thông tư, nhận xét của GV cũng phải đầy đủ hơn và có những điểm mới như trước đây GV cho điểm 9 hay 10 cũng chỉ xác lập được kết quả còn chưa có sự nhận xét đánh giá đầy đủ; nhưng khi thay bằng nhận xét thì sẽ toàn diện hơn ở chỗ vẫn khẳng định được kết quả, động viên khuyến khích HS. 

Mặt khác, từ đó GV phải đề ra được những biện pháp bồi dưỡng những HS giỏi, giúp đỡ, phụ đạo những HS có những mặt hạn chế.

Nhiều hứa hẹn trong năm học mới

Kế thừa những thành tựu trong năm học trước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bậc tiểu học trong năm học mới 2015 - 2016 là: 

Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Bởi vậy, trong năm học mới này, vấn đề định hướng phát triển năng lực HS thông qua việc tăng cường các hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh phải được các cơ sở giáo dục quan tâm; 

Các địa phương cần linh hoạt điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học và các hoạt động giáo dục; Đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh, thời gian thực tế và điều kiện dạy học của từng vùng, miền trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh; 

Tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực người học.

Theo ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), trong năm học mới này, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về quy định đánh giá học sinh tiểu học; Tiếp tục thực hiện tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục (bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo...) vào các môn học và hoạt động giáo dục. Việc tích hợp cần đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả, không gây áp lực học tập đối với học sinh và giảng dạy đối với giáo viên.

Để thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục, trong năm học 2015 – 2016, sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học được thụ hưởng dự án. Triển khai nhân rộng mô hình trên tinh thần tự nguyện ở những trường có điều kiện. 

Tiếp tục triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột” trên tinh thần khuyến khích giáo viên tổ chức các giờ học cho học sinh thiết kế, thực hành các thí nghiệm với các vật liệu đơn giản, dễ thực hiện, hướng tới việc thành lập các phòng hỗ trợ thí nghiệm tại cụm trường; Triển khai thử nghiệm dạy học Mỹ thuật theo phương pháp mới tại các trường tiểu học.

Đặc biệt đối với dạy và học Ngoại ngữ, Tin học: Việc triển khai chương trình Tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” cần chú trọng thực hiện tốt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh; Tổ chức dạy học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông.

Để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, trong năm học này, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng tiếp tục đặt ra.                                                                                                                                                 Trong đó, các địa phương cần chú trọng bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên về nội dung, quan điểm đổi mới; Tiếp tục quan tâm đánh giá và bồi dưỡng nâng cao năng lực theo Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học; bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới quản lý chỉ đạo và trong đổi mới phương pháp dạy học.                                                                                                                                                      Triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học (ban hành theo Thông tư số 32/2011/TT-BGDĐT), và Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học (ban hành theo Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO thừa nhận một sự thật phũ phàng

GD&TĐ - Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stoltenberg mới đây nói rằng, các nước của khối cần thừa nhận họ không hỗ trợ Kiev như đã hứa.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.