Giáo dục Thủ đô luôn cố gắng giữ vững vị thế “đầu tàu”

GD&TĐ - 65 năm sau ngày giải phóng, ngành Giáo dục Hà Nội đã có nhiều thay đổi cả về quy mô và chất lượng. Thành tựu đạt được là minh chứng cho chặng đường vẻ vang và vị thế “đầu tàu” của giáo dục Thủ đô. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội về vấn đề này.

Học sinh Hà Nội bước vào năm học mới
Học sinh Hà Nội bước vào năm học mới

- Xin ông cho biết về những thành tựu mà ngành GD-ĐT Hà Nội đạt được trong 65 năm qua?

- 65 năm trước, vào những ngày đầu tháng 10 lịch sử, trong niềm hân hoan của nhân dân Hà Nội, những người làm công tác giáo dục của Thủ đô nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm khi tiếp quản một mạng lưới giáo dục còn chưa phát triển. Cả Hà Nội khi ấy chỉ có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và một trường kỹ nghệ thực hành với tổng số chưa đầy một vạn HS. Dù bộn bề khó khăn, nhưng chỉ 10 ngày sau khi tiếp quản Thủ đô, các trường học của Hà Nội đã khai giảng năm học đầu tiên sau hòa bình.

Ngày 18/12/1954, khi đến thăm một số trường phổ thông của Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Ngày nay đất nước ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thực sự là người chủ tương lai của đất nước, muốn xứng đáng với vai trò của người chủ thì phải học tập”. Nhớ lời dạy của Bác, 65 năm qua, thầy và trò ngành GD-ĐT Thủ đô đã không ngừng phấn đấu gây dựng sự nghiệp “trồng người” ngày càng phát triển, góp phần rèn đức, luyện tài cho bao thế hệ chủ nhân của Hà Nội và đất nước. Từ một xuất phát điểm gần như không có gì, đến nay, giáo dục Thủ đô đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.

GD-ĐT Hà Nội khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ được nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Giáo dục Thủ đô tăng cường hội nhập với khu vực và quốc tế. Công tác giáo dục kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường được chú trọng.

- 2019 - 2020 là năm bản lề chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng là năm toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Những phần việc nào được xác định là trọng tâm, thưa ông?

Ông Chử Xuân Dũng - 
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

- Với quy mô lên đến 2 triệu HS, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường, lớp và trang thiết bị dạy học để bảo đảm chỗ học cho HS là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với HS tiểu học, trong đó ưu tiên các điều kiện tốt nhất với lớp 1 - lớp đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2018 - 2019, trên địa bàn Hà Nội các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới 70 trường học với kinh phí khoảng 4.105 tỷ đồng. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt 150% kế hoạch, đưa tỉ lệ trường chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố đạt 55 % trong năm 2019. Toàn thành phố hiện có 18 trường chất lượng cao (13 trường công lập và 5 trường ngoài công lập). Mô hình trường chất lượng cao đang phát huy tác dụng tốt với học sinh và cha mẹ học sinh.

- Một trong những yêu cầu đặt ra với ngành GD Thủ đô trong năm học mới là thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn. Vậy, giải pháp nào để thực hiện yêu cầu này, thưa ông?

- Nâng cao chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn là mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành GD-ĐT Thủ đô đã kiên trì triển khai. Với quan điểm tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên vùng khó khăn, một số dự án lớn đã được thực hiện, như xây mới hơn 5.000 phòng học cho các trường ở 15 quận, huyện, thị xã; hỗ trợ việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học của 14 xã miền núi...

Được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ, toàn diện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các nhà trường có sự khởi sắc rõ nét, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học dần được thu hẹp. Đơn cử, trong số 70 trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, bên cạnh những trường vốn có truyền thống dạy tốt, học giỏi, đã xuất hiện một số trường ở các huyện ngoại thành. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và sự kỳ vọng của người dân, những chuyển biến này cần được thể hiện rõ hơn, thông qua kêu gọi các nguồn lực đầu tư và tiếp tục dành ưu tiên cho khu vực còn khó khăn.

- Đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của công cuộc đổi mới GD. Ngành GD-ĐT Thủ đô có những giải pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

- Nhà giáo không chỉ dạy học sinh kiến thức, kỹ năng mà còn truyền cho học sinh niềm tin, giáo dục học sinh nhân cách. Vì thế, bên cạnh yếu tố chuyên môn và kỹ năng, nghiệp vụ, yêu cầu quan trọng với đội ngũ nhà giáo Thủ đô là phải quan tâm xây dựng hình ảnh và vị thế nhà trường bằng chính nhân cách, đạo đức của mình. Mỗi nhà giáo cần thực hiện tốt vai trò nêu gương, tạo sức mạnh lan tỏa tới toàn đội ngũ để cùng nhau cống hiến, xây dựng tập thể vững mạnh. Vị thế của nhà trường có được nâng cao, tạo được uy tín, niềm tin với phụ huynh học sinh hay không chính là nhờ vai trò của đội ngũ nhà giáo.

Trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm kỷ cương, quy định của ngành; quyết tâm khắc phục những vấn đề còn tồn tại, gây bức xúc cho phụ huynh, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà trường và nhà giáo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ