Dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được công bố tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sáng nay (27/9).

Dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông

Tán thành chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Tán thành chủ trương của Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng thời lưu ý, trong quá trình chỉ đạo thực hiện cần chú trọng một số vấn đề sau:

Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục; góp phần quan trọng vào việc xây dựng con người Việt Nam có năng lực và phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam.

Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải góp phần thực hiện được mục tiêu cốt lõi, căn bản của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp.

Đổi mới toàn diện từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo một chỉnh thể thống nhất, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12; được thiết kế theo hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông).

Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị kiến thức phổ thông nền tảng, nội dung được thiết kế theo hướng tích hợp mạnh các lĩnh vực giáo dục, môn học có nội dung kiến thức gần nhau.

Nội dung giáo dục định hướng nghề nghiệp mang tính phân hoá cao, chuẩn bị cho học sinh tham gia thị trường lao động hoặc học giai đoạn sau phổ thông có chất lượng; ở cấp trung học phổ thông thực hiện dạy học phân hoá bằng tự chọn môn học và chuyên đề học tập.

Chương trình giáo dục phổ thông quy định chuẩn đầu ra, những nội dung cốt lõi và những yêu cầu bắt buộc; đồng thời dành thời lượng để các địa phương và nhà trường vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể.

Thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông nhiều sách giáo khoa

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông nhiều sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình giáo dục phổ thông và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều sách giáo khoa; các địa phương tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương.

Tất cả sách giáo khoa phải tuân thủ chương trình giáo dục phổ thông và phải được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng.

Đảm bảo các điều kiện cần thiết của nhà trường, nhất là các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, điều kiện về cơ sở vật chất giáo dục để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Nhà nước tập trung đầu tư, bổ sung cho những trường còn thiếu để đảm bảo chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn.

Từ năm học 2018 – 2019 triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới

Về tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, dự thảo Nghị định ghi rõ: Từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các đề án khác nhằm đảm bảo các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất giáo dục để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; chỉ đạo việc thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hàng năm báo cáo Quốc hội về kết quả và tiến độ thực hiện.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.