Điều chỉnh chương trình giáo dục trung học: Bảo đảm thực hiện các nội dung cốt lõi

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT mới đây ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục trung học ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021 - 2022 (Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH).

Giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hưng Yên) trong giờ học. Ảnh minh họa
Giáo viên và học sinh Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hưng Yên) trong giờ học. Ảnh minh họa

Ngay sau khi hướng dẫn được ban hành, các cơ sở giáo dục đã nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện kế hoạch giáo dục để thực hiện chất lượng, hiệu quả.

Đáp ứng nguyện vọng của GV, HS

Dưới góc nhìn của giáo viên (GV) dạy Ngữ văn, cô Vũ Thị Dung, Trường THPT Xuân Phương, Hà Nội, cho rằng: Nội dung tinh giản tại các phụ lục kèm Công văn 4040 cơ bản thực hiện trên cơ sở của Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT; đồng thời điều chỉnh thêm một số bài học khác nhằm tinh gọn kế hoạch dạy học của môn học. Công văn 4040 được triển khai phù hợp với bối cảnh thực tại, khi nhiều địa phương phải áp dụng hình thức học trực tuyến nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu đầu ra của chương trình giáo dục.

Với môn Toán, các thầy cô giảng dạy bộ môn này tại Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên bày tỏ ủng hộ và nhận định nội dung điều chỉnh tại Công văn 4040 phù hợp thực tế. Cụ thể, với chương trình môn Toán có nhiều bài tập giảm không yêu cầu học sinh (HS) làm; nhiều phần kiến thức trong một bài được giảm hoặc không cần chứng minh các định lý, hoặc hướng dẫn HS một số hoạt động; vì thế, nhiều bài được gộp lại thành một bài…

Nhận định chung, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, cho biết: Nội dung chương trình được rút gọn lại nên có thời gian tập trung cho những phần cốt lõi hơn. Một số kiến thức đưa ra ở mức độ thông báo không cần chứng minh. Đã hạn chế các bài tập khó và liên quan đến thực hành trong sách giáo khoa. Có nhiều hơn các nội dung GV hướng dẫn HS tự học, tự đọc, tự làm… Một số kĩ năng thay vì dạy trực tiếp như trước đây được chuyển thành bài tập về nhà nên GV có nhiều cơ hội để kiểm tra, đánh giá thường xuyên.

Với các thí nghiệm yêu cầu HS thực hiện theo nhóm có thể thay bằng GV tiến hành thí nghiệm ảo để HS quan sát và yêu cầu HS tích cực tham gia xây dựng kiến thức (như đưa ra phương án thí nghiệm, dự đoán, hay rút ra kết luận từ kết quả thí nghiệm). Một số thí nghiệm đơn giản GV hướng dẫn HS tự làm ở nhà. Không kiểm tra, đánh giá định kì đối với những nội dung hướng dẫn HS tự đọc, tự học, tự làm, thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp, những nội dung được giảm tải là kịp thời và phù hợp; giúp GV đủ thời gian truyền tải kiến thức trọng tâm, phát huy khả năng tự học của HS.

Góc độ quản lý, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, nhận định: Việc Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học năm học 2021 - 2022 là cần thiết; giúp các trường chủ động điều chỉnh kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Nội dung điều chỉnh dạy học các môn học phù hợp, khoa học; bảo đảm các trường vẫn thực hiện được nội dung cơ bản, cốt lõi, cần thiết để HS có thể học tiếp các lớp trên. Nội dung, thời lượng còn lại để cho các trường thực hiện linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Nhiều nội dung kiến thức được lược bỏ, tích hợp hoặc yêu cầu HS tự học, tự học có hướng dẫn… sẽ giúp các trường giảm được áp lực về thời gian, có thể hoàn thành chương trình kế hoạch năm học đúng tiến độ.

Chương trình được tinh giản sẽ giúp giáo viên và học sinh dễ hoàn thành nội dung trong giai đoạn phòng dịch.
Chương trình được tinh giản sẽ giúp giáo viên và học sinh dễ hoàn thành nội dung trong giai đoạn phòng dịch.

Triển khai thực hiện chủ động, hiệu quả

Sau khi có văn bản của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã ban hành Công văn số 1274/ SGD&ĐT-GDTrH ngày 18/9/2021 để chỉ đạo, hướng dẫn trường THCS, THPT rà soát nội dung, điều chỉnh kế hoạch dạy học các môn học theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Theo ông Phùng Quốc Lập, nhà trường đang tích cực, chủ động chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện kế hoạch giáo dục để tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Tại Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Văn Ngoãn thông tin: Tại cuộc họp trực tuyến ngày 17/9, sở GD&ĐT đã quán triệt nội dung này cho lãnh đạo các phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường THCS, THCS&THPT, THPT trên địa bàn. Cũng trong ngày 17/9, sở đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Công văn 4040. Với mong muốn đồng hành, hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện tốt chủ trương của Bộ, sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Hội đồng bộ môn của tỉnh tiến hành họp toàn thể GV thông qua nền tảng K12Online để hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học từng môn học và tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo tinh thần Công văn 4040.

“Nghiên cứu các phụ lục ban hành kèm Công văn 4040 và ghi nhận ý kiến từ cơ sở, tôi thấy các nội dung điều chỉnh lần này bảo đảm kế thừa và phát triển nội dung đã hướng dẫn trong Công văn 3280. Điều này giúp GV thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện” - ông Trịnh Văn Ngoãn nhận định.

Trường THPT Mỹ Quý đã xây dựng kế hoạch thực hiện Công văn 4040 và triển khai đến toàn thể GV. Để thực hiện hiệu quả, Hiệu trưởng Trần Văn Hân cho biết đã yêu cầu từng nhóm chuyên môn xây dựng chương trình dạy học trực tuyến chi tiết, phù hợp tình hình thực tế. Đồng thời, tuyên truyền đến cha mẹ HS, HS biết mục đích, yêu cầu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để tạo đồng thuận cao trong thực hiện. Tổ chức bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm để GV chuẩn bị tiết dạy trực tuyến hiệu quả và phát huy hiệu quả cách giao việc, hướng dẫn HS tự đọc, tự nghiên cứu, tự làm…

“Chúng tôi quán triệt phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường (nhất là GV chủ nhiệm) và gia đình để nâng cao ý thức tự học của HS. Vì khi học trực tuyến, ý thức của HS và sự quan tâm của gia đình rất quan trọng. Nhà trường thông qua phần mềm quản lý dạy học trực tuyến, dự giờ, thu thập thông tin từ GV, HS, cha mẹ HS để nắm tình hình tổ chức thực hiện hướng dẫn và có những điều chỉnh kịp thời. Thường xuyên tiến hành rà soát, đối chiếu, điều chỉnh chương trình của trường bám sát với hướng dẫn thực hiện của Bộ GD&ĐT” – thầy Trần Văn Hân cho biết thêm.

Nhìn chung, chương trình các môn học/ hoạt động giáo dục đều được tinh chỉnh công phu theo hướng tinh giản những nội dung không cần thiết hoặc trùng lặp giữa các môn học, lớp học nhưng vẫn bảo đảm chuẩn đầu ra của từng môn học, khối lớp. Điều này rất phù hợp khi kế hoạch thời gian năm học bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Việc ban hành hướng dẫn trên chỉ sau một thời gian ngắn khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, thấy được sự đồng hành, chia sẻ của Bộ với cơ sở. - Ông Trịnh Văn Ngoãn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ