Điện Biên: Vượt khó, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non vùng cao

GD&TĐ - Cô giáo Cà Thị Thoa (giáo viên Trường Mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) là một trong số rất nhiều gương mặt tiêu biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII. Với lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề, mến trẻ, cô Thoa luôn nỗ lực vượt khó để “ươm mầm” cho những thế hệ trẻ vùng cao nơi đây.

Học sinh mầm non ở vùng cao trong giờ ra chơi
Học sinh mầm non ở vùng cao trong giờ ra chơi

Cô giáo Cà Thị Thoa chia sẻ: “Xác định rõ mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt trẻ ở các điểm trường vùng cao còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhằm khắc phục những khó khăn kể trên, trong những năm học qua tôi cũng phải mạnh dạn áp dụng nhiều giải pháp, sau đó lựa chọn những giải pháp phù hợp và hiệu quả để áp dụng”.

Theo cô Thoa, sau thời gian dài nghiên cứu, vận dụng để lựa chọn, cô Thoa nhận thấy có 5 giải pháp mà bản thân áp dụng hiệu quả, đó là: bản thân luôn chủ động khắc phục khó khăn, sắp xếp thời gian hợp lý trong giảng dạy. Bên cạnh đó, cần tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi, yêu thương, đối xử công bằng và tôn trọng trẻ, tạo môi trường an toàn cho trẻ. Đồng thời, giữ vững phẩm chất, danh dự, uy tín, đạo đức của nhà giáo; không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng sư phạm. Cá nhân cô Thoa cũng luôn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động phù hợp với đối tượng trẻ.

Song song với đó là việc thực hiện tốt công tác tham mưu, chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với cha, mẹ trẻ, tạo niềm tin và thu hút sự tham gia của cha mẹ trẻ, cộng đồng đối với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ của lớp và của nhà trường.

Giáo viên mầm non chăm sóc cho trẻ
Giáo viên mầm non chăm sóc cho trẻ

Trong quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục, cô Thoa luôn bám sát chỉ đạo chuyên môn của Nhà trường; chú trọng trao đổi, phối hợp với các giáo viên cốt cán và đặc biệt tìm hiểu về trẻ qua giáo viên đã dạy nhóm/lớp trước đó để xây dựng kế hoạch chăm sóc, giáo dục sát với đối tượng trẻ. Nhiều năm giảng dạy tại các lớp ghép, cô Thoa nhận thấy để nâng cao chất lượng lớp ghép phải quan tâm tìm hiểu từng trẻ, phát huy sự tương trợ, giúp đỡ nhau của trẻ trong lớp ghép, tổ chức hoạt động sao cho trẻ tương tác với nhau được nhiều nhất có thể, không nên chỉ chú trọng hoạt động học cho trẻ lớn mà bỏ quên trẻ bé hoặc ngược lại…

“Tôi nghĩ cần phải đẩy mạnh xây dựng và sử dụng hiệu quả môi trường giáo dục gắn với đặc trưng văn hóa địa phương như xây dựng môi trường trong lớp học, làm đồ chơi ngoài trời, xây dựng các góc chơi, tổ chức các hoạt động giáo dục phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông của trẻ. Thường xuyên công khai, trao đổi, chia sẻ về mục tiêu, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của lớp với phụ huynh để cùng phối hợp thực hiện”, cô Cà Thị Thoa cho biết.

Một buổi học của trẻ vùng cao
Một buổi học của trẻ vùng cao

Trong điều kiện người dân còn nhiều khó khăn, cô Thoa đã tích cực tham mưu với nhà trường đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho công tác tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại trường. Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, cô Thoa luôn dành thời gian để trò chuyện, dạy các con còn hạn chế tiếng Việt nhận biết và phát âm những đồ dùng, đồ chơi quen thuộc có ở trong lớp và gia đình trẻ. Thường xuyên tổ chức và chơi cùng trẻ các trò chơi vận động, trò chơi dân gian để tạo sự gần gũi và hứng thú cho trẻ. Đặc biệt quan tâm, động viên những trẻ còn thiếu tự tin, giúp trẻ sớm hòa nhập cùng tập thể. 

Theo cô Thoa, để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là trẻ vùng cao thật sự đạt hiệu quả, đòi hỏi mỗi giáo viên cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng nhóm/lớp, từng đơn vị địa phương. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên mầm non phải yêu người, yêu nghề, tận tụy với công việc, năng động, sáng tạo không ngừng và luôn có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ