Dạy học ở miền đất khó

GD&TĐ - Những ngôi trường vùng khó bước vào năm học mới vẫn còn nỗi lo toan. Không chỉ là cơ sở vật chất thiếu thốn mà các điều kiện tự nhiên, xã hội cũng tác động trực tiếp tới đời sống, việc dạy và học.

Cô và trò Trường Tiểu học Trung Lý 1 (huyện Mường Lát - Thanh Hóa).
Cô và trò Trường Tiểu học Trung Lý 1 (huyện Mường Lát - Thanh Hóa).

Thế nhưng, những giáo viên vùng khó vẫn miệt mài cống hiến, vượt qua thử thách, hoàn thành sứ mệnh được giao. 

Dạy học nơi 2 không

Thầy Lê Quang Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1, Mường Lát (Thanh Hóa) chia sẻ: Những năm gần đây, điều kiện kinh tế - xã hội, giáo dục xã Trung Lý có nhiều biến chuyển tích cực. Tuy nhiên ở vùng sâu, khó khăn của huyện Mường Lát, thầy cô vẫn đối diện với thiếu thốn từ cơ sở vật chất, công nghệ thông tin đến điều kiện sinh hoạt, bảo đảm cuộc sống…

Khó khăn của đội ngũ GV hiện tại được thầy Lê Quang Tùng nhắc đến đầu tiên đó là cuộc sống xa gia đình. Trong tổng số hơn 30 cán bộ, GV, nhân viên của trường có tới 16 GV nhà ở thành phố Thanh Hóa, cách trường chính 200 km, hơn 10 GV nhà ở các huyện thị cách xa trường 100 km, chỉ 5 GV nhà tại huyện Mường Lát. Chính vì vậy, đội ngũ GV thường ăn ở, sinh hoạt ngay tại điểm trường với điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo.

Gia đình có việc cần, GV về nhà theo tuần, còn lại 1 - 2 tháng GV mới về nhà. Quãng đường di chuyển quá xa trong một khoảng thời gian ngắn, phương tiện di chuyển không thuận lợi khiến thầy cô ít có cơ hội đoàn tụ gia đình. 

Cũng theo thầy Tùng, Trường Tiểu học Trung Lý 1 có 9 điểm trường lẻ, trong đó 5 điểm trường (Suối Tung, Suối Hộc, Nà Ón, Xa Lao, Ma Hát) không có điện lưới và sóng điện thoại. Hoạt động dạy và học vẫn chủ yếu bằng phương pháp truyền thống. Buổi tối, GV thắp đèn dầu hoặc dùng “ké” dân bản đường điện công suất nhỏ (chạy bằng máy điện nước) đủ thắp sáng bóng điện 9W. 

Muốn gọi điện thoại di động về nhà hoặc trao đổi chuyên môn với nhà trường, GV thường phải tìm 1 điểm cao nhất, có khi đi bộ 1 – 2 km để “hứng” sóng. Ra khỏi khu vực có sóng, điện thoại “xịn” cỡ nào cũng trở thành “cục gạch”. GV vẫn ngậm ngùi đùa nhau thời đại công nghệ 4.0 nhưng họ đang phải dạy học trong điều kiện 0.4.

Những khó khăn của những người thầy vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) không dừng lại ở đó. Đồng lương cơ bản nhưng GV phải mua thực phẩm sinh hoạt với giá cao gấp đôi dưới xuôi bởi công vận chuyển lớn. Để tiết kiệm chi tiêu, thầy cô tự trồng rau ăn hàng ngày, nuôi thả gà lấy trứng đã trở thành nguồn thực phẩm tươi sống để sử dụng khi cần thiết. 

Trong những năm gần đây, với mong muốn giảm khó khăn đời sống GV, bảo đảm quyền lợi, công bằng trong quá trình giảng dạy, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Trung Lý 1 đã quan tâm sâu sắc tới vấn đề phân công công tác tại các điểm trường lẻ.

“GV được phân công dạy học luân phiên tại 9 điểm trường lẻ và 1 điểm trường chính. GV cứ công tác 1 - 2 năm ở điểm trường khó sẽ được chuyển sang điểm trường thuận lợi (điểm trường gần đường chính, nơi có đủ điện nước, đường đi lại bằng xe máy). GV nữ có bầu chờ sinh nở được đưa về trường chính. Nam GV trẻ, khỏe thường được bố trí vào điểm trường khó khăn hơn nữ giới. Các điểm trường bố trí có đủ nam và nữ để cùng hỗ trợ nhau trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Mặt khác, việc quản lý GV trong chuyên môn bên cạnh yêu cầu, quy định riêng…, ban giám hiệu luôn động viên, chia sẻ để GV nỗ lực vượt qua thử thách, chủ động sáng tạo trong chuyên môn và yên tâm công tác…” - thầy Tùng cho biết. 

HS Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải - Yên Bái).
HS Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải - Yên Bái).

Hạnh phúc từ những điều giản dị

Cô Đinh Loan Vân – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: 100% HS người dân tộc, bố mẹ làm nông nghiệp và kiếm sống tự do, nhiều em ở với ông bà… Ngày 20/11, rất ít phụ huynh và HS biết tới ý nghĩa để dành cho thầy cô một lời chúc. Điều đó có khiến GV chạnh lòng thoáng qua nhưng sâu thẳm họ hiểu, thông cảm.

Theo cô Vân, để đời sống tinh thần cho GV vùng cao biên giới không quá “thiệt thòi”, ban giám hiệu nhà trường dù khó tới đâu vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, dành tặng những món quà nhỏ để động viên GV. Và có lẽ với GV vùng khó khăn, họ rèn luyện sẵn cho mình khả năng chịu đựng, chấp nhận thử thách. Hạnh phúc của những người thầy chỉ đơn giản là duy trì sĩ số học sinh trên lớp; là HS tiếp thu tốt bài giảng, theo kịp kiến thức và chương trình cơ bản trên lớp. Sự tiến bộ dù nhỏ nhất của học trò cũng là niềm vui, hạnh phúc của người thầy. 

Thầy Lê Quang Tùng bùi ngùi chia sẻ: Gần 30 năm gắn bó với nghiệp “trồng người” nơi vùng khó Mường Lát chưa bao giờ tôi và đồng nghiệp nhận được lẵng hoa, giỏ quà từ HS trong ngày 20/11. Có chăng phụ huynh trồng được rau xanh, có buồng chuối trong vườn… mang biếu thầy cô thể hiện tình cảm, sự biết ơn. Song với chúng tôi như vậy cũng đủ ấm áp, động viên tinh thần bởi thực tế nhiều phụ huynh còn nghèo khó, trình độ kiến thức có hạn. Tấm lòng của HS, phụ huynh không thể đo lường bằng giá trị vật chất. Sự hỗ trợ, kết hợp với GV, nhà trường cùng giáo dục HS trong quá trình học tập đáng quý và trân trọng.

Giáo viên vùng cao chịu nhiều thiệt thòi, vất vả trong điều kiện sinh hoạt và dạy học. Nhưng vì tình yêu, sự tâm huyết với nghề, với yêu trẻ… đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn để bám trụ. Khi điều kiện hỗ trợ cho giáo dục và GV vùng khó chưa thể đầy đủ, sự quan tâm, động viên của lãnh đạo nhà trường, tổ chức, nhóm hội vô cùng cần thiết giúp thầy cô quên đi khó khăn, yên tâm cống hiến cho  giáo dục. - Thầy Hà Trần Hồng (Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS  Khao Mang, Mù Cang Chải – Yên Bái)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ