Chuyển đổi số trong ngành giáo dục tại tâm dịch Covid-19 Bắc Giang

GD&TĐ - Bắc Giang, những ngày này trở thành cái tên được nhắc đến nhiều khi là tâm dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Giáo dục Bắc Giang, nhờ chuyển đổi số mà linh hoạt ứng phó, thích ứng điều kiện, giữ vững, ổn định.

Giáo dục Bắc Giang chuyển mình cùng công cuộc chuyển đổi số.
Giáo dục Bắc Giang chuyển mình cùng công cuộc chuyển đổi số.

Có thể thấy rõ, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, ngành giáo dục Bắc Giang nhờ chuyển đổi số mà nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, thực hiện thành công “mục tiêu kép” cuối năm học 2020-2021.

Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Trong đợt bùng phát dịch lần này, Bắc Giang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca dương tính hàng ngày luôn ở tốp đầu. Việc duy trì các hoạt động giáo dục trên địa bàn tỉnh vì thế chịu rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, với nền tảng kế thừa từ chuyển đổi số, việc thực hiện “mục tiêu kép” cuối năm học 2020-2021 của ngành giáo dục Bắc Giang đã thu được những thành quả rất đáng trân trọng.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang.
Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang.

Từ những thành quả bước đầu

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, cho biết: “Trong hơn 10 năm qua, ngành giáo dục Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và đã có sự chuẩn bị, đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại”.

Để làm rõ hơn, ông Thêm phân tích, từ định hướng của Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục Bắc Giang xác định trọng tâm chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực chính đó là quản lý giáo dục và dạy – học – kiểm tra – đánh giá, đồng thời triển khai thực hiện một cách đồng bộ, xuyên suốt trong toàn ngành.

Thứ nhất, trong công tác quản lý giáo dục: Sở duy trì đồng thời các hệ thống văn phòng điện tử e-office, quản lý văn bản, thư điện tử nội bộ, Office 365; xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống họp trực tuyến với 21 điểm cầu từ năm 2019… để trao đổi, họp trực tuyến giữa các đơn vị trong ngành và với các ban ngành trong tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, xây dựng chính quyền điện tử, Sở đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh xây dựng thành công Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành giáo tỉnh Bắc Giang đảm bảo đồng bộ và liên thông về dữ liệu với hệ thống CSDL của Bộ GD&ĐT và với hệ thống thông tin của các ban ngành, đơn vị hành chính trong toàn tỉnh.

Đặc biệt, hệ thống này tích hợp sẵn tất cả nghiệp vụ quản lý trường học giúp giảm thiểu khối lượng công việc mà các trường phải thực hiện trên phần mềm; hỗ trợ đắc lực việc thu thập số liệu, phân tích đánh giá từ đó giúp hoạch định và đưa ra các chính sách quản lý giáo dục kịp thời, khoa học và sát hợp nhất với thực trạng giáo dục của tỉnh.

Với nền tảng là hệ thống CSDL này, Sở cũng đã và đang nghiên cứu triển khai các phân hệ mở rộng được tích hợp sẵn trên hệ thống này như phân hệ học và thi trực tuyến, ứng dụng liên lạc điện tử eNetViet, thư viện điện tử, tuyển sinh đầu cấp…

Thứ hai, trong công tác dạy, học, kiểm tra, đánh giá: Từ đầu năm 2020, Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai mở rộng các giải pháp hỗ trợ họp trực tuyến như Google Meet; Microsoft Teams; Zoom... và tổ chức được hàng nghìn phiên họp, tập huấn, bồi dưỡng, tiết dạy trực tuyến… trong suốt thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sở GD&ĐT Bắc Giang thường xuyên thực hiện các buổi họp trực tuyến với cơ sở.
Sở GD&ĐT Bắc Giang thường xuyên thực hiện các buổi họp trực tuyến với cơ sở.

Đến cách làm sáng tạo trong “tình hình mới”

Trong bối cảnh bùng phát dịch lần này trùng giai đoạn cuối năm học, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày 28/5, Sở GD&ĐT đã ban hành công văn số 688/SGDĐT-VP chính thức triển khai “Ứng dụng liên lạc trực tuyến eNetViet” tích hợp sẵn trên Hệ thống CSDL ngành giáo dục Bắc Giang đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh học sinh trong toàn tỉnh để giải quyết đồng thời 03 nhiệm vụ chính cấp bách gồm:

Hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành, truyền thông trong nội bộ mỗi cơ sở giáo dục, toàn ngành giáo dục và toàn thể phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh. Thông qua ứng dụng này, mọi nội dung thông tin, chỉ đạo của ngành được triển khai một cách chính thống, kịp thời, an toàn, bảo mật, góp phần hỗ trợ nhanh nhất việc cập nhật thông tin, hỗ trợ tối đa công tác phòng chống dịch bệnh một cách chủ động, chính xác, kịp thời nhất.

Tạo ra kênh thông tin liên lạc trực tuyến, tương tác hai chiều giữa gia đình và nhà trường để cập nhật kịp thời các thông tin, văn bản chỉ đạo, các yêu cầu, chỉ dẫn, giữ mối liên hệ chặt chẽ trong công tác phối hợp giáo dục học sinh nói chung, công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng; ngoài ra, ứng dụng còn cho phép phụ huynh xem kết quả tổng kết học kỳ II và cả năm học 2020-2021, trao đổi với giáo viên và nhà trường trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài.

Giúp các cán bộ quản lý, cơ quan quản lý, cán bộ phụ trách báo cáo, thống kê... tra cứu các dữ liệu báo cáo, thống kê chuyên ngành trực tiếp ngay trên điện thoại di động; đăng các thông tin chỉ đạo, điều hành, truyền thông một cách an toàn, bảo mật hướng tới từng đối tượng cần truyền thông; giáo viên có thể giao nhiệm vụ, ra bài tập, hướng dẫn học sinh ôn tập ở nhà; phụ huynh, học sinh có thể đăng các thông tin về tình hình, kết quả học tập, sinh hoạt... trong thời gian không tới trường.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Thêm đánh giá, cái hay của ứng dụng này là được tích hợp đồng bộ với hệ thống CSDL ngành nên việc triển khai cài đặt và sử dụng trên quy mô lớn toàn tỉnh, nhất là trong điều kiện giãn cách, là rất khả thi và vô cùng nhanh chóng, đồng bộ.

"Chỉ không quá 3 ngày kể từ khi Sở ban hành chủ trương, các đơn vị trực thuộc Sở, phòng giáo dục và đơn vị trường học, phụ huynh học sinh đã có thể sử dụng và thụ hưởng những tiện ích mà ứng dụng mang lại", ông Thêm cho biết.

“Nhờ những chuẩn bị về hạ tầng từ nhiều năm, cùng với việc đưa vào sử dụng hệ thống CSDL ngành và ứng dụng eNetViet mà thời gian này chúng tôi có một nền tảng hiện đại, phù hợp với đặc thù ngành giáo dục, vừa đảm bảo điều hành nội bộ theo ngành dọc, vừa tạo ra kênh thông tin tương tác hai chiều bảo mật, an toàn giữa gia đình và nhà trường” – ông Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.