Chọn SGK theo Luật Giáo dục 2019: Quy trình bài bản, tiêu chí rõ ràng

GD&TĐ - Địa phương đang tích cực chuẩn bị các công đoạn cho năm đầu tiên chọn SGK mới theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Học sinh lớp 1 Trường TH Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) học bằng bộ SGK mới. Ảnh: Thế Đại
Học sinh lớp 1 Trường TH Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) học bằng bộ SGK mới. Ảnh: Thế Đại

Điểm mới căn bản của việc lựa chọn SGK so với năm trước là: UBND cấp tỉnh quyết định thay vì các trường.

Lựa chọn bộ sách hay, phù hợp và ổn định 

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động lựa chọn SGK với cấp tiểu học từ năm học 2021 - 2022. Mục tiêu đưa ra là các trường tiểu học đề xuất được danh mục SGK thể hiện đúng, đầy đủ mục tiêu nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương và năng lực của học sinh. Các Hội đồng lựa chọn bộ SGK tốt nhất để sử dụng trong các trường tiểu học. Học sinh được học bộ sách hay, phù hợp với độ tuổi và ổn định lâu dài.

“Chúng tôi yêu cầu các trường tiểu học nghiên cứu, tìm hiểu, nhận xét tất cả cuốn sách thuộc danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt trước khi tiến hành bỏ phiếu đề xuất danh mục SGK cho các Hội đồng lựa chọn. Hội đồng thảo luận, đánh giá lựa chọn SGK trên cơ sở danh mục SGK do các trường tiểu học đề xuất. Các hội đồng lựa chọn thực hiện đúng quy định việc lựa chọn SGK theo Thông tư 25 và bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở khối lớp, hội đồng lựa chọn 1 đầu SGK phù hợp” - bà Trần Thị Ngọc Châu cho hay.

Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu trên, Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trong đó có, xây dựng tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông; đề xuất danh sách thành viên của các Hội đồng lựa chọn SGK cấp tiểu học; triển khai nghiên cứu và đề xuất lựa chọn SGK của các trường tiểu học sau khi có quyết định công bố danh mục SGK do Bộ GD&ĐT phê duyệt; lấy ý kiến điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK từ cơ sở; tổ chức Hội đồng lựa chọn SGK trên cơ sở danh mục SGK do các trường đề xuất; thông báo quyết định phê duyệt danh mục SGK được UBND tỉnh phê duyệt; cung cấp thông tin cho các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn. 

Tại An Giang, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, Sở GD&ĐT đã hoàn thành dự thảo tiêu chí lựa chọn SGK, lấy ý kiến góp ý của toàn ngành và chuẩn bị trình UBND tỉnh ra Quyết định phê duyệt. Bộ phận chuyên môn cũng đã dự thảo xong hướng dẫn thực hiện việc chọn SGK theo Thông tư số 25 với cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn bị nhân sự tham mưu UBND thành lập Hội đồng chọn sách.

Sẽ làm tốt hơn với kinh nghiệm chọn SGK lớp 1

Chia sẻ kinh nghiệm từ việc triển khai chọn SGK lớp 1, ông Trần Tuấn Khanh nói: Tại mỗi huyện, thị, thành phố, phòng GD&ĐT đều có công văn hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn lựa chọn SGK. Nhìn chung, nhà trường đều thực hiện đúng nguyên tắc: Chỉ chọn lựa sách theo danh mục sách do Bộ GD&ĐT thẩm định và công bố; tuân thủ 4 bước quy trình lựa chọn SGK lớp 1 do sở GD&ĐT quy định. Trong đó vai trò của giáo viên trực tiếp giảng dạy và tổ chuyên môn vô cùng quan trọng. Cuối cùng, tổ chức nghiên cứu kỹ, thảo luận và đánh giá đầy đủ các thông tin của SGK trong danh mục sách được Bộ GD&ĐT thẩm định và tuân thủ tiêu chí lựa chọn SGK của UBND tỉnh ban hành. 

Từ hoạt động chọn SGK lớp 1, bài học kinh nghiệm đầu tiên được ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh là phải tập huấn cho giáo viên thật đầy đủ, kỹ càng về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên phải hiểu Chương trình mới để từ đó “soi” vào sách. Bên cạnh đó, phổ biến giúp giáo viên nắm chắc các tiêu chí chọn SGK của tỉnh; có đủ bộ sách mẫu để giáo viên, nhà trường tổ chức đọc, nghiên cứu trước; cung cấp đủ thông tin về SGK (tác giả, nhà xuất bản, đơn vị cung ứng, giá sách…).

“Năm trước, trường tiểu học nào của Bắc Giang cũng có đủ 46 đầu SGK lớp 1  được Bộ GD&ĐT phê duyệt để giáo viên lớp 1 tập trung nghiên cứu cùng cán bộ quản lý. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức hội nghị giới thiệu đầy đủ 46 đầu sách theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đó cũng là kinh nghiệm của Bắc Giang để việc chọn SGK bảo đảm kết quả tốt nhất” – ông Hà Huy Giáp chia sẻ.

Liên quan đến công tác chuẩn bị chọn SGK theo quy định của Luật Giáo dục 2019, theo ông Hà Huy Giáp, Bắc Giang sẽ tổ chức sơ kết một học kỳ sử dụng SGK lớp 1. Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi các đơn vị về việc này; lấy phiếu khảo sát online hơn 3.000 cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 đánh giá về SGK. Ngày 25/2 tổ chức hội nghị đánh giá chung trong toàn tỉnh. Trước đó, 30/1 phải tổ chức xong ở cấp trường và 22/2 phải tổ chức xong ở cấp phòng GD&ĐT. 

“Bắc Giang lập danh sách tất cả giáo viên dạy lớp 2 năm học 2021 - 2022 để tổ chức bồi dưỡng. Các thầy cô hoàn thành bồi dưỡng  mô-đun 1 về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đang được bồi dưỡng mô-đun 2 về phương pháp dạy học. Việc tổ chức cho giáo viên đọc bản mẫu SGK cũng được triển khai nghiêm túc, tích cực. Bản mẫu sách đưa về đến đâu, thầy cô đọc, nghiên cứu góp ý đến đó. Dù chưa phải bản chính thức, nhưng quá trình này chắc chắn giúp cán bộ quản lý, giáo viên hiểu SGK hơn, từ đó có định hướng tốt hơn trong chọn và sử dụng SGK sau này. Sở GD&ĐT Bắc Giang đang dự thảo quy định tiêu chí chọn SGK để tham mưu UBND tỉnh ban hành. Quy định sẽ có những điều chỉnh so với năm trước vì cần phù hợp với cả lớp 6. Thời gian ban hành tiêu chí dự kiến cuối tháng 2/2021. Việc rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lớp 2 cũng được sở tích cực triển khai để kịp bố trí kinh phí mua sắm” – ông Hà Huy Giáp cho hay.

Việc chọn SGK năm học 2021 - 2022 được thực hiện theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh thành lập. Mỗi môn học của một cấp học thành lập một Hội đồng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người; trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ