Bà, mẹ cùng “ê a” học bài giữa núi rừng biên cương

GD&TĐ - Mỗi tối, khắp các dãy đồi, sườn núi ở bản Huổi Pá (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, Sơn La) lại văng vẳng tiếng người lớn rủ nhau đi học.

Học viên đã vào độ tuổi ông, bà, bố, mẹ hàng ngày vẫn say sưa học chữ. Ảnh: Quyết Hữu.
Học viên đã vào độ tuổi ông, bà, bố, mẹ hàng ngày vẫn say sưa học chữ. Ảnh: Quyết Hữu.

Từ muôn hướng, ánh đèn pin như những con đom đóm lập lòe xuyên rừng đổ về điểm trường Tiểu học Huổi Pá. Tiếng O, A… cứ thế vang lên không ngớt.

Học sinh là mẹ, là bà…

Ở độ tuổi ngoài 30, khi là mẹ của mấy đứa trẻ, chị Giàng Thị Sông (bản Huổi Pá, xã Mường Lạn, Sốp Cộp) mới biết mặt chữ. Chị biết chữ cũng bởi miệt mài theo học lớp xóa mù do Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tổ chức tại bản.

Thấy học chữ giúp bản thân có thêm hiểu biết, chị Sông chẳng bỏ buổi nào. Mỗi tối, khi từ nương xa trở về nhà, chị Sông vội vã nấu cơm, tranh thủ tắm cho bọn trẻ rồi cả nhà ăn nhanh để còn kịp lên lớp. Đường rừng xa xôi, lại tối tăm nên chị thường chuẩn bị một chiếc đèn pin đeo trên trán, tạt qua nhà chị Sua, chị Tài, anh Phía… rủ họ cùng đi.

“Trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại ở vùng cao, tôi không được đi học. Khi biết Bộ đội biên phòng về bản mở lớp dạy xóa mù và phổ biến kiến thức, tôi đã xin đi học. Hàng ngày, dù bận việc nhà, việc nương rẫy vất vả, tôi vẫn cố gắng thu xếp để lên lớp đúng giờ và cố gắng nhớ từng con chữ. Biết đọc, biết viết, tôi sẽ có nhiều kiến thức bổ ích hơn cho cuộc sống hàng ngày”, chị Sông tâm sự.

Mỗi tối, giữa bốn bề núi rừng lại vang lên tiếng ê, a tập đánh vần của những “học sinh” đặc biệt. Đôi tay vốn chai sạn bởi chỉ quen với đường cày, nhát cuốc giờ lại vụng về tô vẽ từng nét trên trang giấy trắng. Lâu dần cũng thành quen, rồi họ thấy yêu thích.

Những lớp học này được Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La tổ chức nhằm xóa mù chữ và phổ cập kiến thức cho đối tượng là đồng bào vùng biên từ nhiều năm nay. Gác lại công việc đồng áng sau một ngày lao động vất vả, các ông bố, bà mẹ, thậm chí cả trường hợp đã chức ông, bà cũng tìm đến lớp để học cách đánh vần, ghép chữ.

Thường ngày, họ giao tiếp bằng tiếng bản địa, ít khi dùng đến tiếng nói và chữ viết phổ thông. Khi được lực lượng Biên phòng tuyên truyền, họ đã thay đổi nhận thức, chăm chỉ đến lớp để làm quen với từng con chữ. Những chữ cái phổ thông dần dần được những anh, chị, cô, bà con ở bản vùng cao này quen mặt và biết ghép từ để tạo thành những câu hoàn chỉnh.

Thầy giáo Vì Văn Liêm trong một buổi lên lớp.
Thầy giáo Vì Văn Liêm trong một buổi lên lớp. 

Những thầy giáo mang quân hàm xanh

Suốt hơn 3 tháng của khóa học xóa mù họ đã “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) với bà con. Ban ngày, Bộ đội Biên phòng giúp đỡ bà con lao động, sản xuất. Tối đến lại lên bục giảng để dạy chữ cho đồng bào.Tại bản Huổi Pá, hai lớp học có gần 100 học viên. Hàng ngày, hai cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn được phân công đứng lớp. Do lớp học mở ở bản vùng cao, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nên mỗi khi trời mưa đường trơn trượt không thể di chuyển được, hai cán bộ Biên phòng bất đắc dĩ trở thành những thầy giáo “cắm bản”.

“Bản Huổi xa trung tâm, điều kiện kinh tế khó khăn. Trình độ đọc, viết, nhận thức của bà con rất thấp. Nếu không biết đọc, biết viết, bà con gặp khó khăn khi theo dõi tivi, không nắm được chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, không áp dụng được các khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất của gia đình.

Trước thực trạng này, đơn vị đã phân công cán bộ lên mở hai lớp xóa mù nhằm giúp bà con biết đọc, biết viết, từ đó, cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”, Trung úy Vì Văn Liêm chia sẻ.

Trung úy Vì Văn Liêm cho biết thêm: "Trong quá trình giảng dạy, tôi  gặp không ít khó khăn do trình độ nhận thức của bà con thấp. Ngoài ra,  là giáo viên không chuyên, trình độ sư phạm còn hạn chế, tôi phải tự tìm tòi, nghiên cứu giáo án của các thầy cô ở lớp chính quy, qua đó có phương pháp truyền đạt dễ hiểu nhất đến học viên trong lớp".

Theo Thiếu tá Vì Văn Chương - Chính trị viên đồn Biên phòng Mường Lạn: Thời gian qua, Đồn biên phòng Mường Lạn đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp tổ chức được 5 lớp xóa mù chữ.

Chương trình giảng dạy tại các lớp xóa mù tương đương kiến thức của học sinh từ lớp 1 - 3. Giáo án được xây dựng sát với đời sống, giúp bà con dễ dàng liên hệ đến hoạt động phát triển kinh tế, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, cách phòng tránh các dịch bệnh.

Những lớp học được mở đã mang lại hiệu quả tích cực, được các cấp, chính quyền địa phương đánh giá cao và bà con đồng tình ủng hộ. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn, có sự lan tỏa rất lớn trong đồng bào khu vực biên giới.

Theo bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, công tác xóa mù chữ cho nhân dân được huyện Sốp Cộp chú trọng thực hiện. Ngoài nòng cốt là lực lượng giáo viên tiểu học, UBND huyện đã phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Quân khu 2) và các đồn Biên phòng trên địa bàn huyện tham gia vào việc giảng dạy xóa mù chữ trên địa bàn. Đến nay, trên 40 lớp học xóa mù cho gần 4.000 học viên do các lực lượng vũ trang triển khai.

“Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang, đặc biệt là các đồn Biên phòng mở lớp xóa mù ở các bản vùng cao. Qua đó, phát huy vai trò của các thầy giáo mang quân hàm xanh trong công tác phối hợp xóa mù chữ gắn với bảo vệ biên giới”, bà Tòng Thị Kiên nói.

Lớp học xóa mù đã giúp bà con hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc học chữ. Khi biết đọc và viết được chữ, bà con có điều kiện nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước qua sách, báo và các phương tiện thông tin, đại chúng; dễ dàng tiếp thu thông tin cần thiết về phát triển kinh tế, xã hội; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, nhất là pháp luật về biên giới quốc gia, không bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.