“Khát” trường học cho con em công nhân

GD&TĐ - Nhu cầu gửi con đi học lớn hơn so với khả năng đáp ứng của cơ sở vật chất (CSVC) nên việc tìm trường công cho con của công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó các nhóm trẻ cả cấp phép và tự phát theo hộ gia đình lại linh hoạt giờ giấc nhận trông giữ trẻ, giá cả phải chăng nên cho dù tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng vẫn được nhiều gia đình lựa chọn.

Các nhóm lớp độc lập tư thục được sự hỗ trợ từ Đề án 404 để cải thiện các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ.   	Ảnh: T.G
Các nhóm lớp độc lập tư thục được sự hỗ trợ từ Đề án 404 để cải thiện các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ. Ảnh: T.G

“Bùng nổ” nhóm lớp độc lập tư thục

Theo kết quả khảo sát nhu cầu công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN) và Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, trong 2.045 phiếu khảo sát, 58,1% CNLĐ đã có con và 45,3% con của CNLĐ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, chỉ 10,9% con CNLĐ được gửi ở trường công lập.

Đa số CNLĐ còn lại gửi con tại các nhà trẻ tư thục hoặc nhóm trẻ gia đình, tương ứng với 22,9% và 18,3%. Số còn lại gửi con về quê cho ông bà chăm sóc nên CNLĐ, nhất là nữ công nhân lao động chưa yên tâm về chăm sóc, giáo dục con cái, thiếu gắn bó với doanh nghiệp và chính quyền, đoàn thể địa phương.

Toàn TP Đà Nẵng có 205 trường mầm non kể cả công lập và ngoài công lập. Số lượng nhóm lớp độc lập tư thục (ĐLTT) quy mô từ 8 - 50 trẻ (đã được cấp phép) là 705, nhóm dưới 7 là 407. Theo đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Đà Nẵng, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ làm công tác bảo mẫu, cấp dưỡng của các nhóm trẻ, nhất là nhóm trẻ cấp phép trước năm 2000 còn nhiều hạn chế...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhận định: “Trong bối cảnh các tỉnh, thành đều phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất với khoảng 60% là lao động nữ trong khi các trường mầm non công lập quá tải, việc phát triển trường lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học thì sự ra đời của mô hình nhóm lớp độc lập tự thục đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân lao động.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cho thấy, số lượng các nhóm lớp ĐLTT chưa được cấp phép rất lớn, như phường Long Bình của Đồng Nai chưa có một nhóm lớp nào được cấp phép do không đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, người chăm sóc chưa được đào tạo. Tình trạng bạo hành trẻ cũng chủ yếu xảy ra ở các nhóm lớp độc lập tư thục nhưng không thể xóa bỏ được loại hình này”.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Cùng công nhân gỡ rối

Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục One Sky Đà Nẵng tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng được đưa vào hoạt động từ năm 2017 dưới sự tài trợ của Tổ chức Half the Sky Foundation. Đối tượng mà trung tâm tiếp nhận là con của các CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà và làm việc tại các nhà máy ở KCN Hòa Khánh. Tổng chi phí sinh hoạt, ăn uống của mỗi trẻ tại trường là 4,7 triệu đồng/tháng, nhưng phụ huynh chỉ phải đóng 800.000 đồng/trẻ/tháng, số tiền còn lại do Tổ chức Half the Sky Foundation tài trợ.

Trung tâm tiếp nhận trẻ từ 6 tháng tuổi và để đáp ứng nhu cầu của bố mẹ là công nhân, mở cửa đón trẻ từ 6 giờ 30 và trả trẻ muộn nhất vào 18 giờ 30 từ thứ 2 - 7. Số lượng trẻ mà trung tâm tiếp nhận năm học 2018 - 2019 này là 250 trẻ - nếu so với số lượng con em công nhân trên địa bàn còn khiêm tốn. Ngoài ra, trên địa bàn Q. Liên Chiểu còn có Trường MN tư thục Ánh Dương, MN tư thục Nốt Nhạc Xanh chủ yếu tiếp nhận trẻ là con của CNLĐ của KCN Hòa Khánh với mức học phí dao động từ 1,4 -1,6 triệu.

Trong một nỗ lực khác, TP Đà Nẵng có đề án đầu tư đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và tập huấn giáo viên với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng để năm học 2019 - 2020 thí điểm thu nhận trẻ dưới 18 tháng tại 21 trường trên địa bàn. Theo PGĐ phụ trách Sở GD&ĐT Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận, từ khi có Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/5/2015 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN - KCX, hoạt động đầu tư xây dựng trường mầm non ở KCN-KCX trên địa bàn Đà Nẵng được quan tâm và đẩy mạnh. Đà Nẵng đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ xây dựng 1 trường mầm non công lập, 4 trường mầm non tư thục, nâng cấp 2 trường mầm non tư thục từ nhóm trẻ độc lập tư thục.

Quan điểm của chính quyền và ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng là nếu quyết liệt đầu tư các trường mầm non công lập, tư thục tại các KCN-KCX thì sẽ có sự thay đổi đáng kể sau 1, 2 năm nữa. Các nhóm trẻ ĐLTT buộc phải thay đổi, tự nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ hoặc tự rơi rụng. Điều này là có cơ sở khi kể từ đầu năm học 2018 - 2019 cho đến nay, Đà Nẵng giảm khoảng 70 nhóm trẻ ĐLTT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ