Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có buổi làm việc với quận Hai Bà Trưng về tăng cường sự phối hợp giữa Sở và Quận trong công tác phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận.
Theo báo cáo của Phòng GD&ĐT Quận Hai bà Trưng, hiện toàn quận có 111 trường với hơn 73.000 học sinh, hơn 6000 CBGV-NV. 100% các trường học trên địa bàn quận được xây dựng kiên cố; trang thiết bị dạy học và chăm sóc tối thiểu được đảm bảo đầy đủ và đang được thay thế bổ sung theo hướng hiện đại hóa.
Đội ngũ CBGV-NV đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ chuyên môn. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục ở cấp MN có chuyển biến rõ rệt; yêu cầu cần đạt trên các lĩnh vực giáo dục trẻ đạt tỷ lệ trên 97%, duy trì và nâng cao chất lượng kết quả đạt chuẩn phổ cập trẻ em 5 tuổi.
99,7% học sinh tiểu học xếp loại hoàn thành và hoàn thành tốt môn Toán và Tiếng Việt; chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh đạt kết quả tốt, quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Cấp THCS đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà, nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kì thi HSG TP và Quốc gia… Quận thực hiện nghiêm túc công tác quản lý dạy thêm- học thêm; thu chi trong nhà trường; tích cực triển khai đề án Sữa học đường…
Hiện nay, công tác GD&ĐT của quận cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, trên địa bàn quận còn 8 trường MN công lập có địa điểm lẻ; một số trường có sĩ số HS/lớp đông so với qui định do tăng dân số cơ học…
Tại buổi làm việc, bên cạnh đánh giá cao những kết quả, thành tích nổi bật, lãnh đạo các phòng của Sở cũng thẳng thắn nêu ra những vấn đề còn khó khăn, tồn tại của GD&ĐT Hai Bà Trưng trong thực hiện các nhiệm vụ năm học.
Từ đó, các thành viên trong đoàn công tác gợi mở những giải pháp để lãnh đạo quận Hai Bà Trưng quan tâm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo; tạo điều kiện cho giáo dục quận ngày càng phát triển vững mạnh.
Ông Vũ Đại Phong- Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Trong những năm qua, quận Hai Bà Trưng dành nhiều sự quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn.
Đặc biệt, từ năm học 2017-2018, quận đã tập trung đầu tư cho chương trình liên quan đến văn hóa đọc, trang bị thư viện mở trong các nhà trường; Các phòng tin học, phòng học ngoại ngữ được trang bị theo quy chuẩn.
Quận đã triển khai thiết kế các nhà vệ sinh trường học theo module quy chuẩn đảm bảo tăng cường vệ sinh trong các trường học, cơ bản đến 2020 hoàn thành. Tổng số trường Chuẩn quốc gia trên địa bàn quận hiện nay là 41, đạt tỉ lệ 64%.
Kế hoạch đến năm 2020, quận phấn đấu đạt chỉ tiêu TP giao là 70%. Được sự quan tâm của Thành phố, UBND quận đã triển khai xây dựng mới các trường tại các điểm đất nhận bàn giao từ TP: xây dựng trường mầm non tại khu đất 622 Minh Khai; xây dựng trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (tại 67 Ngô Thì Nhậm); xây dựng trường THCS Lê Ngọc Hân (94 Lò Đúc)…
Quận luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường. Việc sắp xếp, luân chuyển đội ngũ CBGV-NV được thực hiện theo qui định…
Chủ tịch UBND quận mong muốn, Sở và quận có được quy chế phối hợp hoạt động về công tác giáo dục, đào tạo để phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý và tổ chức các hoạt động trên địa bàn. Sở tham mưu TP các chính sách với đội ngũ giáo viên nhằm giải quyết thực trạng ở một số trường mầm non còn thiếu giáo viên so với định biên, thiếu giáo viên cục bộ ở các trường THPT, THCS.
Bên cạnh đó, hiện nay việc thực hiện công tác xây dựng, duy trì trường học đạt Chuẩn quốc gia còn khó khăn (số lớp/trường, số HS/lớp vượt quá qui định, diện tích m2/HS thấp hơn qui định…), đề nghị Sở báo cáo TP có ý kiến với Bộ GD&ĐT điều chỉnh qui định về tiêu chí trường đạt CQG phù hợp với từng khu vực địa phương.