“Điểm sàn” thể hiện thương hiệu của nhà trường

GD&TĐ - Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, ngày 22/7 các trường ĐH công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn). Nhìn chung, mức “điểm sàn” năm nay cao hơn năm trước. Tuy nhiên, một số trường vẫn công bố “điểm sàn” thấp, chỉ hơn 3 điểm/môn.

Thí sinh đã có những đánh giá công bằng về chất lượng đào tạo của các trường ĐH. Ảnh: T.G
Thí sinh đã có những đánh giá công bằng về chất lượng đào tạo của các trường ĐH. Ảnh: T.G

Không nên tuyển sinh bằng mọi giá

Mới đây, Trường ĐH Bạc Liêu thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH năm 2019 (không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên). Theo đó, căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, mức điểm tối thiểu không nhân hệ số là 13 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.

Riêng các ngành chăn nuôi và bảo vệ thực vật là 12 điểm. Mức điểm này bao gồm điểm 3 môn/bài thi tương ứng theo tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên đối tượng. Còn đối với hệ cao đẳng, mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) nhận hồ sơ là 10 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.

Lý giải về “điểm sàn” của nhà trường, TS Võ Hoàng Khiêm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu cho biết: Năm vừa rồi cũng có nhiều trường lấy điểm chuẩn bằng “điểm sàn” nên nhà trường tuyển sinh hơi khó, vì trường thuộc vùng sâu, vùng xa.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT), ngưỡng bảo đảm chất lượng: Trường xác định + giải trình = Chất lượng, uy tín, thứ hạng, đẳng cấp, niềm tin… Cơ sở GDĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý: Trừ chỉ tiêu năm sau + xử phạt hành chính + không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động; bị phạt hành chính, hình sự... tùy theo mức độ vi phạm.

TS Võ Hoàng Khiêm thông tin thêm: Năm 2018, “điểm sàn” của nhà trường là 14 điểm, nên không tuyển đủ chỉ tiêu ở tất cả các ngành. Năm nay, dựa vào phổ điểm thi THPT quốc gia, nhà trường hạ xuống 13 điểm, hy vọng sẽ tuyển đủ chỉ tiêu.

Khi phóng viên đặt vấn đề “điểm sàn” cũng liên quan đến uy tín và thương hiệu của nhà trường, TS Võ Hoàng Khiêm nói: Cũng có tham khảo một số trường, họ cũng hạ “điểm sàn”.

Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, mỗi trường đều đặt ra mục tiêu, sứ mệnh và vị trí của mình trong xã hội. Việc công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng để xét hồ sơ (“điểm sàn” xét tuyển) cũng thể hiện vị thế của nhà trường.

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, thí sinh, phụ huynh và xã hội đánh giá khá công bằng; trường nào lấy điểm thấp quá hoặc tuyển sinh bằng mọi giá, chưa chắc thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Bởi vì họ xác định, vào trường là để học, để kiến tạo tương lai cho cả một đời. Họ sẽ không bỏ thời gian, tiền bạc, công sức để vào học một nơi mà chất lượng không được bảo đảm.

“Hiện nay, các quy định của Bộ GD&ĐT đối với các trường về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình càng ngày càng được củng cố; đặc biệt là khâu quản trị đảm bảo chất lượng. Vì thế, các trường cũng nên biết điều này và không nên tuyển sinh bằng mọi giá, đặc biệt là những trường lớn” - PGS.TS Bùi Đức Triệu lưu ý.

Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: T.G
  • Thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: T.G

Hạ điểm nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu

Còn theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), việc tuyển sinh ào ạt (nếu có) thường chỉ xảy ra ở các trường quá yếu. Hiện nay, điều quan trọng mà xã hội đang đánh giá là chất lượng đào tạo của trường đó như thế nào và điểm số đầu vào cũng là một trong các yếu tố đó.

Thực tế, có những trường hạ điểm xuống thấp nhất có thể nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Các thí sinh cũng biết, mình nên học ở những trường nào và sẵn sàng đi học một trường đào tạo nghề để có thể lập nghiệp sau này, chứ không nhất thiết vào ĐH. Vì thế, các trường cũng cần cân nhắc khi đưa ra phương án xét tuyển và không nên tuyển sinh bằng mọi giá.

Cho rằng, tuyển sinh là nhu cầu của các trường ĐH, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, năm ngoái cũng có trường tuyển sinh mức điểm 13, thậm chí là thấp hơn nữa. Đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ thật thấu đáo, bởi vì: Điểm thi quá thấp cũng phản ánh năng lực nhận thức và năng lực tư duy của các em ở thời điểm hiện tại.

“Tuyển sinh ở mức dưới điểm trung bình trở xuống thì công tác đào tạo sau này sẽ rất khó khăn. Nó không chỉ ảnh hưởng đến câu chuyện của một đơn vị đào tạo, mà còn ảnh hưởng đến tương lai lâu dài, trước hết là cá nhân thí sinh, rộng hơn là cộng đồng và nhân lực của xã hội, đất nước. Vì thế tôi cho rằng, các trường cần suy tính để hài hòa giữa sự tồn tại và phát triển của trường mình nhưng cũng không nên “vơ bèo vạt tép” để tuyển sinh bằng được. Chất lượng không được bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhân lực hàng chục năm về sau” - PGS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, PGS Hoàng Anh Tuấn khuyến nghị, các trường ĐH cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Cùng với đó, người học cũng nên suy tính thật kỹ, bởi chúng ta có nhiều lựa chọn để khởi nghiệp và lập thân, lập nghiệp, không nhất thiết phải vào ĐH bằng mọi giá.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ