“Con được nuôi dạy cho những điều lớn lao hơn thế”

GD&TĐ - Tháng 6, tháng đầu tiên của mùa hè. Với phần lớn các con, đó là tháng tuyệt vời nhất. Nhưng với rất nhiều HS chuẩn bị thi vào lớp 10 và nhất là HS lớp 12 chuẩn bị dự thi THPT quốc gia, đây thực sự là quãng thời gian căng thẳng. Căng thẳng không chỉ đối với riêng HS dự thi, mà với cả cha mẹ.

“Con được nuôi dạy cho những điều lớn lao hơn thế”

Cách này hay cách khác, sự lo lắng cũng đều xuất phát từ áp lực mà các bậc cha mẹ tự đặt ra cho mình và con. Tâm lý chung là mong con được vào trường này ngành nọ, ít nhất cũng để “bằng bạn bằng bè”. Nhiều câu chuyện buồn cũng xảy ra từ đây, khi một số HS phản ứng tiêu cực với áp lực học hành. Trong xã hội, áp lực thi cử được đẩy lên cao với hàng loạt diễn đàn cũng như trên mặt báo, tạo thành một hiệu ứng tiêu cực: Căng thẳng, lo lắng và áp lực.

Hiệu ứng tâm lý ấy, truy nguyên gốc, rõ ràng không phải do hệ thống hay cơ chế nào tạo ra. Nó xuất phát trước hết từ chính một bộ phận những người làm cha làm mẹ hiện nay tự “đóng gông” trong suy nghĩ của người lớn: Con mình luôn phải là nhất, không chỉ ngoan ngoãn vâng lời mà còn “trên thông thiên văn dưới tường địa lý”...

Có một điều rằng, trên cuộc đời này, bất cứ thứ gì chúng ta cũng phải học hỏi theo từng bước thì mới có thể thành thạo. Không ai phút chốc mà thành ngay kỹ sư, bác sĩ; Một người nông dân cũng phải học cách gieo mạ cấy lúa, chứ không phải sinh ra họ đã biết làm điều này ngay. Ví dụ về việc đi xe đạp: Phần lớn chúng ta đều nhớ những ngày đầu ngã lên ngã xuống với chiếc xe; Không ai ngồi lên mà đạp được ngay.

Tôi nhớ ngày nhỏ mới tập xe đạp, bà chị là người giữ đằng sau. Cứ thế lấy thăng bằng rồi đạp chập chững. Đến một hồi quay lại nhìn mới biết té ra nãy giờ tự đi, chị đã buông tay ra từ lúc nào. Thế là giật mình phanh gấp xe lại, may bà chị dù buông tay nhưng vẫn chạy theo, kịp đỡ chứ không thì ngã dúi dụi. Lại thêm vài lần vừa dìu vừa buông như thế mới quen và tự tin đạp xe một mình.

Cha mẹ nuôi con cũng vậy. Khi chúng ta sinh một đứa con ra, những năm tháng đầu đời chăm bẵm trên tay, đó là lúc ta đang dìu xe cho người mới tập đi, buông tay ra là ngã ngay lập tức. Nhưng từ từ phải nới lỏng vòng tay, buông ra để đứa trẻ tự phát triển. Rồi khi con trưởng thành thì phải thả nó ra. Nếu như chúng ta luôn mang tâm lý sợ con cái mất an toàn, vào cuộc sống sẽ va vấp hay gặp khó khăn này nọ, suốt đời bảo bọc con, cũng như người giữ chiếc xe đạp, không lựa lúc để buông tay thì không bao giờ người tập có thể đi được.

Trong xã hội hiện nay, không ít bậc phụ huynh vì quá yêu thương con mà đùm bọc thái quá, lo cho con tất cả, thành ra đứa trẻ mãi không lớn được, không thể trưởng thành được. Có những em HS đã học đến lớp 12 mà còn phải chờ cho cha mẹ nhắc đến giờ ăn cơm, giờ tắm giặt, hoặc phải hứa thưởng cho đồ nọ món kia mới chịu ngồi vào bàn học. Đứa trẻ ấy sau này ra đời sẽ làm được gì hay chỉ hơi một chút va vấp lại vội quay về xà vào lòng cha mẹ để chờ đợi sự an ủi, che chở?

Từ nuông chiều và bảo bọc dẫn đến sự áp đặt, với mong muốn con cái phải trở thành những khuôn mẫu do mình đặt ra. Mỗi con người trong chúng ta là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai cả. Cha mẹ mong muốn con cái giống như mình, hoặc ít nhất giống như hình mẫu mình mong muốn, nhưng mấy ai để ý rằng thể chất, tư chất và khí chất con mình có như thế không, có thuộc về hình mẫu ấy không.

Sự áp đặt theo ý nguyện của cha mẹ sẽ dẫn đến hai trường hợp phổ biến: Thứ nhất, đó sẽ là một đứa trẻ hoàn hảo trong mắt cha mẹ, gọi dạ bảo vâng, nói học gì là học đó, bảo làm sao là làm vậy. Đó thực tế là những con rô bốt được lập trình. Thứ hai, hoàn toàn có khả năng đứa trẻ sẽ phản ứng bằng cách lầm lỳ nín nhịn, rồi đến một lúc nào đó, một cơ hội nào đó, nó sẽ nổi loạn, bằng cách này hay cách khác, để phản ứng. Hãy đánh giá đúng thực lực của con mình, đó là lời khuyên từ rất nhiều chuyên gia dành cho các bậc làm cha mẹ, không chỉ gói gọn trong những kỳ thi của con.

Đề cập tới vấn đề này, tôi lại nhớ đến bức thư nổi tiếng của hiệu trưởng một trường phổ thông ở Singapore gửi cho phụ huynh HS trước kỳ thi. Bức thư ngắn ấy đủ để làm đoạn kết cho bài viết nhỏ này:

Các phụ huynh thân mến,

Kỳ thi của các con sắp bắt đầu. Tôi biết các quý vị đều lo lắng muốn con mình làm bài tốt. Nhưng hãy nhớ rằng trong số các em làm bài thi sẽ có một em là nghệ sĩ và không cần phải hiểu môn Toán. Sẽ có một doanh nhân không quan tâm đến Lịch sử hay Văn học Anh. Sẽ có một nhạc sĩ mà điểm môn Hóa sẽ chẳng là vấn đề. Sẽ có một vận động viên mà thể lực quan trọng hơn môn Vật lý… Nếu con của quý vị đạt điểm số cao, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng nếu chúng không đạt được thì làm ơn đừng lấy đi của con sự tự tin và phẩm giá của chúng. Hãy nói với con rằng: “Không sao đâu, đó chỉ là một bài thi. Con được nuôi dạy cho những điều lớn lao hơn thế nhiều”. Hãy nói với con rằng “dù điểm số như thế nào cha mẹ cũng vẫn yêu con và sẽ không đánh giá con”.

Hãy thực hiện điều này, quý vị sẽ thấy con mình chinh phục cả thế giới. Một bài thi hay một điểm kém không thể cướp đi giấc mơ và tài năng của các con. Và thêm một điều nữa, hãy đừng nghĩ rằng các bác sĩ hay kỹ sư là những người duy nhất hạnh phúc trên đời này.

Với tấm lòng chân tình,

Hiệu trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ