Năm ngoái, cậu bé 9 tuổi sống ở Hồng Vệ, Trung Quốc có thói quen xấu là cắn bút mỗi khi làm bài tập. Một ngày vào tiết học thứ 4, khi đang làm bài tập giáo viên giao trên lớp, cậu bé theo thói quen đưa miệng cắn bút và vô tình khiến đầu bút rơi vào miệng.
Do không kịp thời xử lý, cậu bé đã nuốt luôn đầu bút vào họng và bị mắc nghẹn, không thể thở được. Một lát sau, cậu bé bắt đầu họ sặc sụa, mặt đỏ bừng. Cô giáo vội vàng chạy tới để kiểm tra tình hình và chỉ kịp nghe thấy cậu bé nói “em hút phải nắp bút.” rồi ngã khuỵu xuống.
Ngay lập tức, giáo viên đã chuyển cậu bé tới bệnh viện và thông báo cho phụ huynh. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra CT cho thấy không có vật thể lạ trong khí quản. Vì chưa thấy có vấn đề nghiêm trọng nên bác sĩ khuyên chờ đợi thêm vài tiếng để xem liệu cơ thể cậu bé có đào thải vật lạ ra khỏi cơ thể khi đi vệ sinh.
Tuy nhiên vào ngày thứ 2 tại bệnh viện, cậu bé không đào thải được đầu bút, thay vào đó bắt đầu ho nặng hơn và sốt cao. Cha mẹ cậu bé lo lắng cho tình trạng của con nên đã vội vàng chuyển tới Bệnh viện Đại Hòa.
Theo bác sĩ La Quốc Sĩ, bác sĩ khoa Hô hấp Bệnh viện Đại Hòa cho biết khi cậu bé được chuyển tới bệnh viện đã sốt cao và ho liên tục. Cậu bé thở cũng rất khó khăn và âm thanh giống như tiếng huýt sáo.
Sau khi kiểm tra CT lại một lần nữa, các bác sĩ đã phát hiện chiếc nắp bút nằm trong phế quản. “Phẫu thuật cần phải thực hiện ngay lập tức, nếu không vật lạ sẽ dính vào khí quản, Bệnh nhân sẽ không chỉ ngạt thở mà còn gây nhiễm trùng phổi.” Bác sĩ La kể lại tình huống khi tiếp nhận bệnh nhi.
Cũng theo bác sĩ cho biết trường hợp trẻ em bị hóc dị vật vào trong khí quản không phải hiếm gặp và thường xảy ra với trẻ em dưới 5 tuổi do trẻ chưa nhận biết được sự nguy hiểm.
“Nguy cơ hít hay nuốt phải các dị vật vào trong khí quản, phế quản là rất cao và có thể khiến trẻ bị thở khò khè, khó thở, thậm chí gây nghẹt thở, dẫn tới tử vong.” Bác sĩ La cảnh báo. "Nếu một đứa trẻ rơi vào tình huống này cần mau chóng đưa tới bệnh viện càng nhanh càng tốt."
Sau khi được phẫu thuật, cậu bé đã dần hồi phục, tinh thần cũng tốt hơn. Cậu cũng nhận ra bài học cho bản thân: “Cháu hứa sẽ không bao giờ dám cắn bút khi làm bài tập nữa.”
Mối nguy tiềm ẩn từ những chiếc bút viết
Mặc dù chỉ là một vật nhỏ bé của chiếc bút nhưng nó cũng có thể ẩn chứa nguy hiểm chết người.
Trong tháng 12/2012, một cậu bé 8 tuổi từ Hồ Nam (TQ) đột nhiên tử vong khi đang học. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy cậu bé bị mắc kẹt đầu nắp bút bi trong cổ họng dẫn tới ngạt thở và chết. Vào ngày 9/4/2014, một đứa trẻ 6 tuổi ở tỉnh Quảng Đông cũng đã vô tình nuốt một đầu nắp bút bi và suýt tử vong vì ngạt thở.
Để đề phòng những trường hợp vô tình nuốt phải đầu bút dẫn tới ngạt thở, năm 1991, công ty sản xuất bút bi Bic ở Pháp giới thiệu thiết kế lỗ tròn nhỏ ở cuối nắp bút bi để giảm khả năng ngạt thở cho người sử dụng.
Theo News.com.au, nhiều người có thói quen nhai nắp bút bi khi mải suy nghĩ. Họ có thể vô tình nuốt nắp bút. Khi đó, lỗ nhỏ trên nắp bút cho phép một lượng không khí đi qua, giúp họ vẫn thở được.
Tuy nhiên điều này cũng không giảm được hậu quả nhiều vì thế các bậc phụ huynh vẫn cần nhắc nhở trẻ từ bỏ thói quen cắn bút hoặc mua những chiếc bút an toàn hơn.