“Bốc thuốc” trị “bệnh thành tích”

GD&TĐ - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 6/6/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn chỉ rõ “bệnh thành tích” đã tồn tại từ lâu, mặc dù ngành Giáo dục luôn cố gắng nói “không” với căn bệnh này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vấn đề không chỉ dừng lại ở quy định mà còn liên quan tới văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành Giáo dục.

Cái gốc cho GD là chất lượng thực và được đánh giá đúng
Cái gốc cho GD là chất lượng thực và được đánh giá đúng

Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đang rất tích cực để hạn chế vấn đề này; Có những văn bản đề nghị bỏ rất nhiều cuộc thi, đồng thời hướng dẫn để tiến tới việc không công nhận điểm các cuộc thi vào thành tích thi đua, nhằm làm sao cho kết quả phải phản ánh được chất lượng giáo dục thực tại. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận rằng chính việc đăng ký thi đua làm cho nhiều thầy cô phải chạy đua điểm “ảo” và Bộ GD&ĐT đang làm việc rất gắt gao trong vấn đề này. Bộ trưởng cũng tiết lộ rằng, Bộ sẽ hướng tới việc thầy cô nào có sáng tạo sẽ được khuyến khích, biểu dương chứ không đăng ký thành tích nữa.

Chia sẻ của người đứng đầu ngành Giáo dục hôm đó khiến không ít người phải suy nghĩ. Những lãnh đạo có thói quen báo cáo thành tích bằng những con số trên giấy tờ mà không coi trọng chất lượng thực chất, để ra các chỉ tiêu xa vời vượt quá sức của cấp dưới… đã được báo động cần phải xem lại mình. Giáo viên cần tham mưu, tư vấn, có tiếng nói phản biện tích cực với hiện tượng thi đua phong trào, giảng dạy mà như đi hội diễn, những con số “khoán” thành tích bất chấp thực tế, các loại sổ sách giấy tờ nặng tính hình thức, không giúp ích cho công việc hàng ngày…

Ngay cả các bậc phụ huynh – những người luôn đặt kỳ vọng con cái phải học giỏi, đoạt giải các cuộc thi, luôn phải hoàn hảo để có gì đó khoe với họ hàng lối xóm… cũng cần được “bắt mạch” vì đã gián tiếp góp phần tạo thành tích ảo trong GD… Chừng nào cha mẹ còn đặt nặng danh hiệu, chừng đó bệnh thành tích trong giáo dục càng có đất phát triển, và người gánh chịu hậu quả lại chính là con em mình.

Trị một căn bệnh đã lâu năm, liên quan đến văn hóa, trở thành một thói quen không thể dứt điểm trong ngày một ngày hai mà cần một quá trình vừa nâng cao nhận thức, vừa tìm thuốc đúng bệnh. Nếu không cẩn trọng làm một cách khoa học thì chính việc ồ ạt chữa trị xa rời thực tế lại trở thành một bệnh thành tích mới!

Cuối năm 2018, qua các buổi tọa đàm, công tác cơ sở, lắng nghe những chia sẻ, trăn trở của giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh thi đua trong GD không phải đặt thêm gánh nặng, là hình thức. Ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị định về đánh giá cán bộ viên chức, công chức. Trong đó, muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến, kinh nghiệm.

Bộ trưởng cho rằng đối với ngành GD, quy định này dường như chưa phù hợp. Đây cũng là một trong những nguồn gốc bệnh thành tích gây áp lực cho giáo viên. Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị sửa đổi quy định về sáng kiến, kinh nghiệm, hạn chế các cuộc thi hình thức trong ngành GD. Cùng với đó tiếp tục rà soát và cắt giảm tối đa các cuộc thi vốn được cho là không nâng cao chất lượng thực sự cho giáo dục mà có khi còn tạo ra tiêu cực.

Trong thời gian tới, với Chương trình sách giáo khoa mới, sẽ có nhiều đột phá trong quản lý, điều hành, đổi mới việc triển khai dạy – học. Có thể thấy, những việc có thể hỗ trợ được trong thẩm quyền, Bộ GD&ĐT đã làm ngay để giúp các thầy cô giảm áp lực, yên tâm công tác, tập trung vào chuyên môn, xem xét để thi đua thiết thực, hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ