Bộ GD&ĐT chưa cấp phép cho trường Đông Đô được đào tạo văn bằng 2

GD&TĐ -Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2.

 Bộ GD&ĐT chưa cấp phép cho trường Đông Đô được đào tạo văn bằng 2

Các trường ĐH tự quản lý và tổ chức in phôi bằng

 Thông tư số 19 đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi VBCC, số lượng phôi VBCC ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi VBCC . Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi VBCC như các cơ sở in phôi VBCC khác.
 

Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2 - VB2), việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo VB2.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo VB2. Do Trường Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo VB2, nên Bộ GD&ĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).

Liên quan đến việc quản lý và giám sát phôi bằng, Bộ GD&ĐT cho biết: Khoản 2 Điều 38 Luật GDĐH 2012 đã quy định cơ sở giáo dục đại học in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học.

Như vậy, theo Luật này, Bộ không quản lý phôi bằng đại học mà giao trách nhiệm cho các trường đại học tự quản lý và tổ chức in phôi bằng đại học của mình.

Tại Khoản 1, Điều 15 Thông tư số 19/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 quy định: Cơ sở giáo dục đại học tự chủ in phôi văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (trừ chứng chỉ giáo dục quốc phòng - an ninh), chịu trách nhiệm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Nội dung ghi trên phôi bằng Đại học đã được quy định chi tiết trong Điều 8, 9 Thông tư số 19/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015. Những thông tin này là thông tin chung, cơ bản cần phải có trên một văn bằng đại học.

Ngoài những nội dung cơ bản theo quy định, Thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về những thông tin khác trên văn bằng của cơ sở đào tạo.

Như vậy, theo quy định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành mẫu văn bằng, chứng chỉ cụ thể của từng cấp học, trình độ đào tạo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, các trường đại học cập nhật thông tin của trường mình vào mẫu văn bằng, chứng chỉ và tổ chức in phôi.

Website của Trường ĐH Đông Đô thông báo tuyển sinh “rầm rộ”
 Website của Trường ĐH Đông Đô thông báo tuyển sinh “rầm rộ”

Từng có quyết định tạm dừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Đông Đô

Ngoài ra, trước khi cơ quan Công an ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trường đại học Đông Đô, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức thanh tra công tác đào tạo VB2 tại 3 trường: ĐH Chu Văn An, Khoa Ngoại ngữ (ĐH Thái Nguyên) và ĐH Thành Đô. 

Về công tác thanh, kiểm tra, Bộ GD&ĐT thông tin, công tác thanh tra, kiểm tra VB2 được thực hiện trong chương trình kế hoạch chung về thanh tra, kiểm tra.

Năm 2011, thực hiện Nghị quyết 50/2010/QH12 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra tại Trường ĐH Đông Đô.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trường chưa có mặt bằng nên chưa xây dựng được cơ sở vật chất như cam kết; tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao. Do đó, Bộ đã có quyết định tạm dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường ĐH Đông Đô.

Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19/9/2018).

Tuy nhiên, Trường ĐH Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong.

Thực hiện quản lý nhà nước, ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo Thanh tra và các đơn vị chức năng tập hợp, rà soát các vấn đề dư luận phản ánh về giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng, để tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm nếu có.

Hiện nay, mọi văn bản của Bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đào tạo văn bằng 2 đều được lưu trữ theo quy định về lưu trữ tại Văn phòng Bộ GD&ĐT (trừ các cơ sở giáo dục đại học là thành viên của 2 đại học Quốc gia, 3 đại học Vùng và 23 cơ sở giáo dục đại học được phép thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017).

Theo quy định thực hiện công khai đối với cơ sở GD&ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ban hành tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và thay thế tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phải thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở GD&ĐT theo quy định của pháp luật.

Cụ thể: Công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng; và công khai thu chi tài chính. Đối với công khai hoạt động đào tạo theo nhiệm vụ được giao, trong đó có VB2 là quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo phải thực hiện (điểm h mục 1 Điều 7).

Khoản 3 Điều 5 Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định:

“Trách nhiệm xã hội của trường đại học thể hiện ở các hoạt động: Báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật; cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết…”;

Các quy định nêu trên nhằm tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD&ĐT trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng GD&ĐT.

Tăng quyền tự chủ cho các trường

Trả lời câu hỏi của báo chí về các giải pháp gì để nâng cao hiệu quả trong việc quản lý đào tạo VB2?, Bộ GD&ĐT cho hay: Năm 2018, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 10/2018/TT-BGDĐT quy định về đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo thông tư quy định về đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học đối với tất cả các ngành. Bên cạnh việc xây dựng các quy định đồng bộ với các quy định khác trong toàn hệ thống, phù hợp với thực tế, văn bản này cũng phải thể hiện xu hướng tự chủ đại học, quy định các điều kiện tuyển sinh và đào tạo VB2 trên cơ sở các trường phải công khai mọi thông tin liên quan đến điều kiện đảm bảo chất lượng, đến kết quả tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng.

Bộ GD&ĐT tăng cường kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Ngày 28/5/2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2297/BGDĐT-GDĐH, gửi các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo giáo viên; yêu cầu việc rà soát đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2 của các cơ sở đào tạo đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (sinh viên, giảng viên, sinh viên trúng tuyển, sinh viên nhập học, sinh viên tốt nghiệp, chuyên ngành đào tạo…).

Đây sẽ là công cụ để kiểm tra rà soát, quản lý về đào tạo đại học. Bên cạnh đó, Bộ đang dự thảo văn bản thay thế để tăng quyền tự chủ cho các trường, đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn với công tác đào tạo đại học nói chung và đào tạo VB2 nói riêng.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.