Giáo dục với những vấn đề nóng được giải đáp

GD&TĐ - Tuần qua, dư luận quan tâm tới Quy chế đào tạo đại học; vụ việc hàng trăm học sinh trường Múa "kêu cứu" về vấn đề liên quan đến đào tạo văn hóa và cấp bằng cho học viên tại Học viện...

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học

Ngày 31/3, Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học. Đây là những tiêu chuẩn để các trường đại học làm căn cứ xây dựng quy chế đào tạo riêng của từng trường, với điều kiện là bằng hoặc cao hơn quy chế này.

Một trong những điểm quan trọng của quy chế này là: Liên kết đào tạo chỉ thực hiện đối với hình thức vừa làm vừa học; không thực hiện việc liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề.

Các yêu cầu tối thiểu đối với cơ sở chủ trì đào tạo gồm: Đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp và còn hiệu lực theo quy định; Chương trình đào tạo dự kiến liên kết đào tạo đã được tổ chức thực hiện tối thiểu 3 khoá liên tục theo hình thức chính quy; từ khóa tuyển sinh năm 2024 yêu cầu chương trình đào tạo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành;  

Bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo; Đã ban hành quy định về liên kết và đã thẩm định các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở phối hợp đào tạo;

Quy chế này quy định chung về tổ chức và quản lý đào tạo trình độ đại học, bao gồm: Chương trình đào tạo và thời gian học tập; hình thức và phương thức tổ chức đào tạo; lập kế hoạch và tổ chức giảng dạy; đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp; những quy định khác đối với sinh viên.

Đồng thời, đây là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành các văn bản quy định cụ thể, bao gồm cả việc tổ chức đào tạo trình độ đại học và trình độ đào tạo các ngành chuyên sâu đặc thù quy định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Sở GD&ĐT Ninh Bình lên tiếng về ồn ào quanh giải Nhất học sinh thi KHKT quốc gia

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình khẳng định, 2 dự án dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia của học sinh trường THPT Hoa Lư A mặc dù có tên gần giống nhau, nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau.

Theo đó, hai học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, trường THPT Hoa Lư A, đạt giải nhất cuộc thi với dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" (lĩnh vực thi Hệ thống nhúng). Không lâu sau khi có kết quả giải nhất, đã có nhiều ý kiến cho rằng dự án của 2 học sinh có sự trùng lặp, tương tự với dự án "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân (cùng trường THPT Hoa Lư A, giải nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh Ninh Bình năm 2019), đã giành giải nhì trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm 2019.

Việc 2 dự án có tên gần tương tự, thi ở 2 năm khác nhau, cùng đến từ trường THPT Hoa Lư A và do một thầy giáo hướng dẫn, dẫn đến một số ý kiến nghi ngờ.

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình khẳng định: "Hai dự án mặc dù có tên gần giống nhau nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau".

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình biết thêm, sau khi có thông tin phản ánh về dự án đạt giải nhất cuộc thi KHKT năm 2021 của học sinh trường THPT Hoa Lư A, Sở đã xem xét lại toàn bộ 2 dự án, cho 2 học sinh và thầy giáo hướng dẫn báo cáo cụ thể về dự án. Sở đã rà soát lại, sau đó có báo cáo nhanh về Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)

Bộ GD&ĐT đồng ý cấp bằng cho 273 học viên Học viện Múa Việt Nam

Ngày 31/3, hội phụ huynh của 325 học sinh từ K40 đến K43 đang học hệ Trung cấp và học viên từ K2 đến K6 đang học hệ Cao đẳng tại Học viện Múa Việt Nam đã đồng loạt "kêu cứu" về vấn đề liên quan đến đào tạo văn hóa và cấp bằng cho học viên tại Học viện.

Do sơ xuất, từ năm 2017 Học viện Múa Việt Nam không liên kết với các cơ sở đào tạo văn hóa đủ điều kiện mà vẫn tự tiếp tục đào tạo bình thường như trước đây và không thông báo tới phụ huynh học sinh.

Hậu quả toàn bộ học sinh phổ thông học tại Học viện Múa Việt Nam không có mã định danh được theo dõi trong phần mềm quản lý giáo dục của Sở GD&ĐT Hà Nội, dẫn tới việc tất cả các học sinh này không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT.

Vụ việc đã kéo dài trong mấy năm, tuy nhiên tới nay, nhà trường và các cơ quan quản lý chưa có câu trả lời thỏa đáng cho người học.

Ngày 1/4, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp và chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa THPT cho học sinh đã học xong tại Học viện Múa Việt Nam.

Tối 1/4, Bộ GD&ĐT đã phản hồi trước đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc cấp bằng cho 273 học viên Học viện Múa Việt Nam nhập học từ năm 2012 đến 2016. Bộ nêu rõ trường hợp Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) đã tổ chức đào tạo học sinh hoàn thành đầy đủ chương trình theo Quyết định 92/2004 thì được cấp bằng tốt nghiệp theo thẩm quyền. Bộ đồng ý để Học viện Múa Việt Nam được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp theo quy định hiện hành.

Việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT do thủ trưởng cơ sở đào tạo cấp theo Thông tư 16/2010 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy định về chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.