Khẳng định vị thế và uy tín quốc tế
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của giáo dục “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người cũng luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ thầy, cô giáo với sự nghiệp giáo dục: “Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo, không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả các cuộc thi quốc tế ngày càng cao, trong đó kỳ thi Olympic những năm qua có tiến bộ vượt bậc, với 49 Huy chương Vàng giai đoạn 2016 - 2020 so với 27 Huy chương Vàng giai đoạn 2011 - 2015; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi. Chất lượng giáo dục đại học cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Chủ tịch Quốc hội viện dẫn: Chỉ số xếp hạng và số lượng trường đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các trường có chất lượng tốt, uy tín trong khu vực và thế giới được nâng lên. Lần đầu tiên nước ta có 4 đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới, nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo đứng trong tốp 500 thế giới; trước năm 2015 chưa có cơ sở giáo dục đại học nào của Việt Nam được xếp hạng thế giới, chỉ có 2 trường vào tốp 300 châu Á. Số lượng công trình công bố quốc tế liên tục gia tăng (năm 2019, Việt Nam đứng thứ 49 thế giới về số bài báo khoa học công bố trên các ấn phẩm quốc tế uy tín, tăng 9 bậc so năm 2015). Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn (như các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19).
Theo Chủ tịch Quốc hội, hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được củng cố, tăng về số lượng và chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó, đã ban hành các quy định về chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Chìa khóa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Năm học vừa qua, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, “đứt gãy”. Bộ GD&ĐT tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nền nếp, chất lượng, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, ngành Giáo dục cũng tích cực phát động, đẩy mạnh các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, hướng hoạt động giáo dục trong nhà trường theo tinh thần nhân văn và dân chủ với phương châm “học sinh là nhân vật trung tâm” của quá trình giáo dục. Qua đó, giúp đội ngũ nhà giáo trong toàn quốc có chuyển biến tích cực về trình độ, phẩm chất, năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm.
Có được kết quả trên do sự cố gắng của toàn ngành, phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong dạy - học của các thế hệ thầy và trò trong cả nước. Trong đó, các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu là những tấm gương về chuẩn mực đạo đức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, sự tận tụy, tâm huyết với nghề; thậm chí, có những thầy, cô đã hy sinh cả tuổi xuân, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em… ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo.
Khẳng định, nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Điều đó đặt ra yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hơn nữa trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, ngành phải có giải pháp, biện pháp hữu hiệu để khắc phục những vấn đề còn tồn tại hiện nay như: Sách giáo khoa; bạo lực học đường; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; đặc biệt lưu ý vẫn còn những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật, xâm hại trẻ em tại một số cơ sở giáo dục…
“Đảng, Nhà nước luôn quan tâm coi trọng, tạo điều kiện để ngành Giáo dục phát triển, phát huy vai trò quan trọng; là chìa khóa, động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Về phía Quốc hội, trong những năm gần đây, đã ban hành Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới... tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.