Giáo dục Việt Nam linh hoạt chuyển đổi dạy học trực tuyến để ứng phó COVID-19
Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 11, được tổ chức trực tuyến tại Manila, Philippines, ngày 20/11/2020, với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện ngành giáo dục các nước ASEAN. Chuyển đổi giáo dục ASEAN: “Kết nối hợp tác trong thời gian khó khăn toàn cầu” là chủ đề của Hội nghị.
Tại Hội nghị, Thay mặt cho Đoàn đại biểu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ những kinh nghiệm của Giáo dục Việt Nam trong đối phó với COVID-19 thời gian qua.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị: “Tôi xin được gửi lời chúc mừng và cảm ơn chân thành đến Bộ Giáo dục Philippines vì đã tổ chức sự kiện đặc biệt này, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN trực tuyến đầu tiên trong lịch sử”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam nêu nhận định: Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những tác động to lớn cho ngành giáo dục cả thế giới nói chung và ASEAN nói riêng. Trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với thách thức to lớn này, chủ đề của Hội nghị ngày hôm nay “Chuyển đổi giáo dục theo hướng ASEAN: kết nối những mối quan hệ đối tác trong thời gian khủng hoảng toàn cầu” thật sự có ý nghĩa.
Tháng 1/2020 khi những ca mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận, để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cộng đồng, Việt Nam đã quyết định đóng cửa trường học.
Trong thời gian trường học đóng cửa, Ngành Giáo dục đã chuyển đổi từ cách dạy và học truyền thống sang hình thức học trực tuyến và qua truyền hình. Cụ thể, đối với bậc mầm non, đã nghiên cứu xây dựng tài liệu trực tuyến Cẩm nang hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non khi trẻ ở nhà; đối với bậc phổ thông các lớp học được tổ chức trực tuyến, đặc biệt quan tâm đối với những học sinh không có internet tại nhà để phục vụ cho việc học trực tuyến.
Việt Nam đã xây dựng video tài liệu quy trình tổ chức dạy học trên 28 kênh truyền hình, qua mạng internet đối với mỗi môn học. Giáo viên được trang bị các phương pháp, kĩ thuật cơ bản trong thực hiện quy trình tổ chức dạy học trên truyền hình. Còn sinh viên đại học, giảng viên xây dựng bài giảng điện tử và dạy trực tuyến.
“Với cách tiếp cận linh hoạt, việc học trực tuyến đã cho thấy kết quả thiết thực, đảm bảo việc “không đến trường nhưng không dừng việc học”. Chúng tôi nhận thấy những thách thức bước đầu trong việc chuyển đổi từ phương thức học truyền thống sang trực tuyến và truyền hình đã tạo cơ hội cho việc chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Chia sẻ với các đại biểu dự Hội nghị, Thứ trưởng cho biết: Trong thời gian chịu ảnh hưởng của COVID-19, đội ngũ giáo viên và giảng viên của Việt Nam cũng đã có cơ hội xem xét lại các hoạt động sư phạm của mình và tìm cách thích ứng với điều kiện dạy và học ‘không bình thường’ do đại dịch gây nên.
Các giáo viên đã nỗ lực xây dựng các bài giảng điện tử, triển khai các bài giảng trực tuyến đến học sinh của mình. Các cán bộ quản lý và giảng viên đã thay đổi đáng kể nhận thức của họ về giáo dục trực tuyến và khả năng chuyển đổi giáo dục truyền thống thành giáo dục số. Khá nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nhanh chóng xây dựng hệ thống quản lý học tập (LMS) của mình hay nâng cấp và mở rộng các hệ thống có sẵn để đáp ứng yêu cầu học tập của hàng chục ngàn sinh viên trong thời gian dài.
Hiệu quả rõ nét
Những nỗ lực của ngành giáo dục Việt Nam đã nhận được những kết quả đáng kể: Học sinh Việt Nam vẫn tiếp tục được học trong thời gian trường học đóng cửa; khi trường học mở cửa trở lại, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời gian của năm học và điều chỉnh chương trình học cho phù hợp, như vậy hầu như chương trình không bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, Việt Nam đã đảm bảo việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh vẫn thực hiện được, dù dịch bệnh chưa kết thúc.
Để đảm bảo chất lượng việc dạy và học, để đảm bảo việc học không bị gián đoạn và để tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ việc đào tạo trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đồng thời kết nối những mối quan hệ đối tác để thực hiện những nội dung này.
Đáng chú ý là 2 thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến và Thông tư quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.
Hai thông tư này sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ song phương giữa những cơ sở đào tạo nước ngoài và Việt Nam thông qua những chương trình liên kết đào tạo.
Bên cạnh những hợp tác song phương, Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ với các đối tác giáo dục quốc tế nhằm “Mở rộng và nâng cao năng lực của con người và thể chế trong việc phát triển phần mềm giáo dục và thiết kế hướng dẫn trực tuyến để tăng cường khả năng tiếp cận với nền giáo dục chất lượng”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Đầu tháng trước, chúng tôi đã phối hợp với UNICEF và Ban thư ký ASEAN tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN về “Kỹ năng chuyển đổi số trong giáo dục trong ASEAN”. Tại Hội nghị, các ngài Bộ trưởng đã chia sẻ các bài học kinh nghiệm và sáng kiến đối với các mục tiêu củng cố các hệ thống giáo dục ASEAN trở nên linh hoạt hơn thông qua chuyển đổi kỹ thuật số và khai thác các mối quan hệ đối tác của khu vực tư nhân, qua đó thúc đẩy kỹ năng chuyển đổi số cho tất cả trẻ em”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng phối hợp với những công ty giải pháp công nghệ để đưa ra giải pháp cho việc học trực tuyến, phát triển khung năng lực số cho bậc mầm non và phổ thông và triển khai những sáng kiến chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt chú trọng đến đối tượng trẻ em yếu thế: trẻ vùng sâu vùng xa, trẻ em người dân tộc và trẻ em khuyết tật.
Năm 2022, Việt Nam sẽ là chủ tịch của ASED. Cũng tại Hội nghị hôm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc đã thông báo về thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 tại Hà Nội, Việt Nam.