Là một người có kinh nghiệm gần 40 năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực Giáo dục, bà Đàm Bích Thuỷ (cựu Chủ tịch sáng lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của Tập đoàn Giáo dục EQuest) đã có những nhận định về bức tranh toàn cảnh của Giáo dục Việt Nam trong 20 năm qua.
Theo bà Đàm Bích Thuỷ, nếu đứng ra xa hơn một chút để nhìn lại, Giáo dục Việt Nam đang có những thay đổi rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho phụ huynh, học sinh và những người làm giáo dục. Trong đó, bà đưa ra ba thay đổi cơ bản:
Đầu tiên là những thay đổi trong Chính sách. Trước đây, nền Giáo dục Việt Nam chỉ có một hệ thống trường công lập. Nhưng giờ đây, với sự thay đổi và điều chỉnh của Luật pháp, thì khối tư nhân cũng đã được tham gia hoạt động Giáo dục Đào tạo. Đây là một cái thay đổi rất cơ bản, tạo ra rất nhiều cơ hội cho tất cả những người làm Giáo dục và cả những người thụ hưởng giáo dục.
Thay đổi cơ bản thứ hai là về quan niệm. Trước đây, người Việt Nam tồn tại công thức về “thành công trong giáo dục”, với những tiêu chuẩn như “con ngoan trò giỏi”, “điểm 10”... Nhưng với những nỗ lực để từng bước thay đổi, người Việt đã dần có những quan niệm cởi mở và hiện đại hơn. Xã hội đã chấp nhận những sự khác biệt, những tiêu chuẩn khác nhau về thành công, phù hợp với nhiều nhóm học sinh khác nhau. Đấy là một trong những thay đổi rất tuyệt vời.
Thay đổi thứ 3 là về công nghệ. Từ khi công nghệ xuất hiện và đi vào Giáo dục, đã tạo ra một sân chơi càng ngày càng bình đẳng hơn cho tất cả học sinh, sinh viên. Trước đây người Việt vẫn thường phải nói đến các vấn đề như một số em phải bỏ học vì ở khu vực không có trường, hoặc không được đến trường do gia đình không có điều kiện… Nhưng trong 20 vừa rồi, với sự hỗ trợ của công nghệ và internet, thì những sự khác biệt này càng dần được xoá nhoà. Thực tế, cơ hội tiếp cận giáo dục đang trở nên tốt hơn rất nhiều so với trước đây.
Bà Đàm Bích Thủy có kinh nghiệm 40 năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực giáo dục. |
“Từ những gì chúng ta đã làm được sau 2 thập kỷ qua, thì sắp tới là giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng nhiều hy vọng cho những người làm Giáo dục. Con đường phía trước của chúng ta đang rộng mở với rất nhiều những cơ hội” - Bà Đàm Bích Thuỷ nhận định.
Cùng với những thay đổi cơ bản trong bức tranh lớn về Giáo dục, bà Đàm Bích Thuỷ cũng chia sẻ sâu hơn về những đóng góp của khối tư nhân trong chặng đường phát triển của Giáo dục Việt Nam.
Đó là khi Luật Giáo dục được thay đổi, thì những đơn vị tư nhân đã nhanh chóng nắm bắt và hiện thực hoá cơ hội này. Các hệ thống trường Giáo dục tư nhân đã tạo ra nhiều những trường học đa dạng trong phương pháp giáo dục, mang đến nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh khi muốn tìm kiếm cơ hội giáo dục cho con.
“Quan điểm cá nhân của tôi, là không có sự lựa chọn giáo dục nào là sai, mà chỉ có phương pháp phù hợp với những nhóm học sinh nhất định. Tôi cũng rất tự hào vì ở EQuest, nơi tôi đang tham gia, mọi người luôn đồng lòng với triết lý giáo dục đó trong 20 năm qua, đó là chủ động, kiên trì với nhiều triết lý giáo dục khác nhau, mang đến chất lượng giáo dục phù hợp nhất cho từng nhóm học sinh cụ thể” - bà Thuỷ chia sẻ.
Bà đánh giá đây là sự thay đổi rất cơ bản về hoạt động giáo dục trong 20 năm qua, vì triết lý giáo dục cho từng nhóm học sinh khác nhau cần được thực hiện khác nhau.
Giáo dục Việt Nam trong thời gian tới là một bức tranh mang nhiều hy vọng. |
Về tương lai xa hơn, bà Đàm Bích Thủy cho rằng, khi nói đến một triết lý giáo dục thì người làm giáo dục sẽ cần có mô tả bức chân dung của học sinh đó, cần hình dung rằng phương pháp giáo dục đó sẽ tạo ra những em học sinh như thế nào.
Điều này sẽ giúp phụ huynh, học sinh có những lựa chọn rõ ràng, chính xác hơn thay vì áp đặt một cách cứng nhắc gây áp lực cho cả học sinh và gia đình, và vội vàng kết luận môi trường, phương pháp giáo dục đó là sai hay đúng.
“Nhiều hệ thống trường tư nhân đã kế thừa được những điểm tốt của hệ thống trường công của Việt Nam, như việc đào tạo chuyên sâu kiểu “trường chuyên, lớp chọn” ngày trước, nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp trong công cuộc hội nhập quốc tế, ví dụ như Hệ thống trường Newton hay Albert Einstein…” - Bà Đàm Bích Thuỷ nói thêm.
Bà Đàm Bích Thuỷ cũng nêu ra một số những hạn chế trong sự vận hành của giáo dục nói chung, như sự chưa đồng nhất trong giáo dục quốc tế và giáo dục trong nước, sự nhìn nhận và đầu tư chưa thực sự đúng đắn trong đào tạo nghề, hay những bất cập trong mảng giáo dục Đại học và Cao đẳng.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, để cải cách và thay đổi diện mạo của giáo dục cần sự chung tay và đồng lòng của toàn bộ các Ban ngành, các cơ quan chức năng, những người làm giáo dục, các đơn vị cũng như nhà trường, và cả các gia đình, phụ huynh, học sinh.
Về bức tranh tương lai của Giáo dục Việt Nam trong thời gian tới, bà Đàm Bích Thuỷ cho rằng đó là một bức tranh mang nhiều hy vọng. Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong 20 năm qua như những viên gạch vững chắc.
Trong những thập kỷ tới, ngành Giáo dục cần những bứt phá quyết liệt hơn, tạo ra những nhân tài để lãnh đạo và hội nhập; những lực lượng lao động mới, những người thợ giỏi mà máy móc không thể thay thế, quan trọng hơn nữa là cần phát huy những gì thuộc về “con người”, như vấn đề văn hoá, bản sắc, nhân cách hay là tâm lý… Và trong đó, khối giáo dục tư nhân cũng sẽ đóng góp một phần quan trọng.
“Là một người trong cuộc, làm việc tại một đơn vị giáo dục, đôi khi tôi cũng có những nóng ruột, những phiền lòng vì những câu hỏi: Tại sao điều này không xảy ra, điều kia chưa xảy ra...
Thực tế còn nhiều cái khó cho người làm Giáo dục hoặc làm chính sách Giáo dục. Nhưng tôi nghĩ rằng, từ những gì chúng ta đã làm được, thì giai đoạn sắp tới là giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng nhiều hy vọng. Và con đường tương lai phía trước của chúng ta đang rộng mở với rất nhiều những cơ hội” - bà Đàm Bích Thuỷ nhận định thêm.
Bà Đàm Bích Thuỷ có gần 40 năm nghiên cứu, làm việc ở nhiều vị trí cấp cao trong lĩnh vực giáo dục và tài chính, ngân hàng.
Bà từng giữ chức vụ Chủ tịch, người sáng lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Bà có bằng Cử nhân của Trường Đại học Hà Nội, bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ theo học bổng Fulbright.
Hiện tại bà là Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của Tập đoàn Giáo dục EQuest.