Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GD Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Tại Điều 2 Luật GD năm 2005 cũng như trong dự thảo Luật GD sửa đổi mà Bộ GD&ĐT chuẩn bị trình Quốc hội để thông qua tại kỳ họp tới đây thì mục tiêu GD là phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sáng tạo, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp…
Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành GD-ĐT cần triển khai thành công hiệu quả các quy định tại Luật GD, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để GD toàn diện cho HS, SV trong các cơ sở GD trên toàn quốc.
Thông qua hoạt động dạy và học, tổ chức hoạt động GD trong nhà trường sẽ trang bị tri thức, kỹ năng, thái độ cho HS, SV để giúp các em có trí tuệ, năng lực đầy đủ, hành vi, ý thức trách nhiệm. Đây là cơ sở để chúng ta xây dựng nền tảng của thế hệ công dân ưu tú, tích cực, có tinh thần trách nhiệm trong việc phát triển đất nước trong tương lai.
Trong quá trình đó, cần có trách nhiệm rất cao trong việc xây dựng môi trường sư phạm, môi trường GD toàn diện và văn hóa học đường, bảo đảm các điều kiện để xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ hiệu quả theo Nghị định 80/2017 của Chính phủ. Chú trọng đến các hoạt động, chủ thể của nhà trường, tất cả chủ thể phải có nghĩa vụ và làm tròn bổn phận của mình trước pháp luật.
Thời gian vừa qua, công tác bảo đảm an toàn trường học được Bộ GD&ĐT rất chú trọng chỉ đạo, triển khai trong toàn quốc và đã đạt những kết quả. Bộ đã tích cực tham mưu Quốc hội, Chính phủ, để ban hành, ban hành theo thẩm quyền rất nhiều văn bản, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo đảm trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về trường học an toàn, lành mạnh, phòng chống BLHĐ. Trong Nghị định đã giải thích từ ngữ rất cụ thể thế nào là “xâm hại, BLHĐ”, trách nhiệm của các bên liên quan. Nghị định phân công rất rõ trách nhiệm chủ trì, đầu mối của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Công an…
Đặc biệt có một phần tổ chức thực hiện liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo đảm điều kiện để xây dựng được trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ rất cụ thể và chi tiết.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành 14 Thông tư liên quan để chỉ đạo triển khai công tác này. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 1299 ngày 3/10/2018 phê duyệt Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.
Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường xây dựng văn hóa học đường. Từ đó tạo sự tiến bộ, ứng xử văn hóa trong các cơ sở GD, xây dựng mỗi cơ sở GD là một trung tâm văn hóa. Các thành viên trong nhà trường có ứng xử phù hợp, văn minh, hướng đến GD toàn diện cho HS.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 5886 về chương trình hành động của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về phòng chống BLHĐ trong cơ sở GD mầm non, GD phổ thông, GDTX đến 2021.
Ông Bùi Văn Linh chia sẻ: Một số Thông tư rất quan trọng giúp cho việc giải quyết triệt để BLHĐ. Với hai Thông tư này, chúng tôi sẽ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của HS. Từ đó, các thầy cô tư vấn tâm lý và cán bộ nhà trường, gia đình hỗ trợ cho các con giải quyết tốt được vấn đề này.
Với Thông tư 31/2017 quy định về công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, tất cả các trường đều có trách nhiệm thành lập tổ tư vấn tâm lý. Đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm này được Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng theo chương trình quy định của Bộ và được các trường đại học có Khoa Tâm lý GD, Khoa GD tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Với Thông tư 33 triển khai công tác xã hội trong trường học nhằm bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, chúng ta sẽ rà soát, tổng hợp, theo dõi, có chương trình hỗ trợ riêng cho nhóm HS yếu thế ở trong các trường học, nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân.