Nhìn lại năm vừa qua, trong bối cảnh chung với những xáo trộn do dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Chia sẻ điều này, bà Hồ Thị Minh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhắc đến việc học sinh phải dừng đến trường trong một thời gian dài, những cơ sở giáo dục ngoài công lập lao đao, kéo theo khó khăn trong đời sống cho số lượng không nhỏ giáo viên, người lao động.
“Nhưng cũng chính trong khó khăn vì dịch bệnh, nhiều điểm sáng của ngành Giáo dục đã được thể hiện ấn tượng; trong đó nổi bật lên là nhiều quyết sách kịp thời, dũng cảm và sự ứng phó hết sức linh hoạt, mềm dẻo, thể hiện khả năng thích ứng cao. Có thể kể đến việc kịp thời điểu chỉnh kế hoạch thời gian năm học; tinh giản chương trình học; triển khai dạy học trực tuyến; đặc biệt là quyết định tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức thành công Kỳ thi này trong dịch bệnh thực sự là một kết quả rất tuyệt vời” – bà Hồ Thị Minh cho hay.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, phương châm “tạm dừng đến dừng, không dừng việc học” và thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên; vừa hoàn thành kế hoạch năm học” đã được thực hiện hiệu quả...
“Nhưng ấn tượng nhất có lẽ là việc ngành Giáo dục biến “nguy” thành “cơ” trong những khó khăn do dịch bệnh gây ra”. Nhấn mạnh điều này, bà Hồ Thị Minh cho rằng, nhiều năm qua, chúng ta đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; nhưng việc này đã có bước chuyển mạnh mẽ khi các nhà trường triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường.
Các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) để quản lý quá trình tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá trực tuyến được quan tâm triển khai, nâng cao hiệu quả học trực tuyến. Khoảng 50% cơ sở đào tạo đại học triển khai học tập trực tuyến qua mạng, tỷ lệ học sinh phổ thông học qua truyền hình và trực tuyến đạt khoảng 80% là một con số ấn tượng.
Bộ GD&ĐT đã trình ban hành, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành; ký kết các chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp có uy tín nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ cho giáo dục đào tạo thực hiện chuyển đổi số.
Theo Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, khó khăn và cách vượt lên khó khăn khi ứng phó với dịch bệnh Covid-19 giúp chúng ta có những bài học quý giá để triển khai các nhiệm vụ giáo dục. Trong đó, bài học đáng lưu ý đã được Bộ GD&ĐT đưa ra là coi công tác xây dựng kế hoạch là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác quản lý và là cơ sở để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra. Kế hoạch phải sát thực tế, có tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên đôn đốc, theo dõi thực hiện kế hoạch để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ.
Cùng với đó là chủ động phát hiện vấn đề nảy sinh để có giải pháp giải quyết kịp thời trong công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành; bám sát thực tiễn hoạt động giáo dục. Nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp trong quá trình triển khai. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo để tạo khung pháp lý và kịp thời đôn đốc, tháo gỡ, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giải đáp các vướng mắc để đảm đồng bộ nhận thức, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện chính sách…
“Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục tập trungthực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GD-ĐT. Đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông… Tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua và từ bài học của năm Covid-19, ngành Giáo dục sẽ đạt được những kết quả đáng khích lệ hơn nữa.” – Đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ tin tưởng.