(GD&TĐ) - Ngày 10/9/2013 vừa qua, thông tư ban hành chương trình học phần giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu trong chương trình đào tạo trình độ TCCN khối ngành Công nghệ kỹ thuật và khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản đã chính thức có hiệu lực.
Cung cấp những kiến thức cơ bản
HS, SV cần được trang bị những kiến thức cơ bản về ứng phó với biến đổi khí hậu |
Theo đó, giáo dục ứng phó với BĐKH là học phần tự chọn thuộc khối học phần chung trong chương trình đào tạo trình độ TCCN, với thời lượng 30 tiết (2 đơn vị học trình). Mục tiêu của học phần là sau khi học xong, người học có khả năng:
Thứ nhất, về mặt kiến thức, trình bày được các khái niệm cơ bản về thời tiết, khí hậu, khí nhà kính, hiệu ứng nhà kính, BĐKH và nước biển dâng; Nêu được hiện trạng, những nguyên nhân và hậu quả của BĐKH; các biểu hiện của BĐKH, các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan, sự nóng lên toàn cầu; Giải thích được bản chất, ảnh hưởng và các tác động cơ bản của BĐKH đối với các hoạt động liên quan đến năng lượng, công nghiệp, giao thông, xây dựng; Trình bày được các biện pháp ứng phó với biến đối khí hậu trong hoạt động sử dụng và khai thác năng lượng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động giao thông, xây dựng.
Thứ hai, về mặt kỹ năng, người học có khả năng thu thập thông tin, tư liệu về BĐKH và ứng phó với BĐKH của ngành và địa phương; Vận dụng kiến thức đã học vào việc tham gia sử dụng nguyên, nhiên liệu một cách hiệu quả, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sử dụng năng lượng, hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động giao thông, xây dựng.
Thứ ba, về thái độ, người học có ý thức và hành vi đúng trong ứng phó với BĐKH, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sống hài hòa, thân thiện với môi trường; Tham gia tích cực và thực hiện đúng các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, những quy định của trường và địa phương trong công tác ứng phó với BĐKH.
Thực hiện từ năm học 2013 – 2014
Học phần Giáo dục ứng phó với BĐKH được thực hiện từ năm học 2013 - 2014. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai học phần này, các phương pháp dạy học sẽ được sử dụng linh hoạt như phương pháp thuyết trình, thảo luận nhóm hoặc tham quan thực tế hiện trường.
Bộ GD&TĐ yêu cầu, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường và ngành học, các trường xây dựng bài giảng phù hợp với mục tiêu và nội dung cơ bản của học phần nhằm đảm bảo kế hoạch đào tạo của nhà trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình triển khai thực hiện.
Hà Linh