Từ sự biến động không ngừng của môi trường học đường, của tâm sinh lý lứa tuổi teen buộc những người thầy, những người cha, người mẹ không thể thiếu quan tâm và cần có sự hiểu biết nhất định để tìm ra phương pháp giáo dục linh hoạt, phù hợp.
Tuổi teen - Cha mẹ, thầy cô đã hiểu hết?
TS Nguyễn Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội chỉ ra: Đây là lứa tuổi phát triển nhanh về sinh lí, cơ thể, dậy thì sớm, tuổi trăng tròn, có sức hấp dẫn cao với bạn khác giới.
Đến lớp 8, 9 HS nữ đã không còn là trẻ con mà trở thành một cô gái. Và như vậy tất nhiên tâm lý cũng sẽ thay đổi theo.
Tuổi 13 các em đã bắt đầu để ý đến bạn khác giới, chơi với bạn khác giới không còn tự nhiên, hồn nhiên. Nhiều em đã để ý thích bạn trai hoặc bạn gái. Các em HS nữ để ý các “anh” lớp trên hoặc các “anh” lớn tuổi hơn.
Thực tế cũng cho thấy, tuổi teen mạnh dạn hơn, dám nói thẳng, làm sao nói vậy, nghĩ thế nào làm thế đó, không đắn đo cân nhắc, do dự như thế hệ trước.
Như vậy nên có nhiều điều tốt song dễ mắc sai lầm, dễ gây rắc rối, nguy hiểm. Tuổi teen thích thể hiện, nếu có cơ hội sẽ bộc lộ hết khả năng. Nếu được cổ vũ sẽ cố gắng hết sức mình.
Tuy nhiên do nặng về cảm tính nên dễ phí sức, dễ mất tập trung cho học tập hoặc cho những yêu cầu quan trọng hơn mà nhà trường, gia đình quy định cho họ.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường ở lứa tuổi teen phần lớn xuất phát và liên quan đến tình cảm “yêu đương”. HS nữ và nam vì ghen tuông đã kéo bè phái đánh lại bạn được cho là “cướp” hoặc có ý đồ với bạn của mình. Cùng đó, bởi tính “anh hùng”, “ngông nghênh” của một vài HS cậy mình có quan hệvới số thanh niên hư mà gây sự, bắt nạt bạn bè, bắt nạt HS lớp dưới.
Bạo lực học đường cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân cha mẹ mải làm ăn, thiếu quan tâm cụ thể và sâu sắc, thiếu chú ý đến quan hệ bạn bè con cái, không lắng nghe con nói và tâm sự, thổ lộ, băn khoăn.
Thậm chí, cũng có thể tại thầy cô giáo đôi khi đơn giản, chưa hiểu biết tâm lý trẻ, không có đường lối rõ ràng, lâu dài, giải quyết nửa vời. Kỷ luật của nhà trường chưa đủ nghiêm khắc để HS sợ nên nhờn và tái phạm…
Thậm chí, bạo lực học đường sẽ diễn ra chỉ bởi một cái nhìn đểu, sĩ diện, chửi nhau trên mạng, khích bác, kéo bè kéo cánh, bị bạn xấu khích bác, xúi bẩy, trả thù cho những lần va chạm trước…
Lứa tuổi teen có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Ảnh minh họa |
Đổi mới nhận thức và phương pháp giáo dục
Giáo dục HS nói chung, đặc biệt HS ở lứa tuổi teen là cả một nghệ thuật đòi hỏi các thầy cô giáo, cha mẹ dành thời gian nghiên cứu, hiểu biết tìm ra phương pháp phù hợp. Mặt khác, để giáo dục hiệu quả đòi hỏi có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu chỉ riêng thầy cô, nhà trường hay gia đình thì giáo dục không thể toàn diện.
Nhận thức đúng đắn về tuổi teen trong thực tế của xã hội để từ đó đổi mới phương pháp giáo dục… đó là đòi hỏi bắt buộc đối với các nhà trường, thầy cô giáo. Cần thay đổi cách nhìn nhận mục tiêu giáo dục, cách thể hiện của HS, để hiểu và không “bức xúc” một cách không cần thiết, để bình tĩnh tìm ra cách giáo dục HS, để đánh giá HS một cách công bằng hơn, thông minh hơn và đặc biệt để ngăn chặn tốt hơn những vụ bạo lực học đường ngày một diễn biến phức tạp.
TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ kinh nghiệm: Có trường hợp trẻ thuộc diện bất trị, cô giáo đừng nên nguyên tắc, cứng nhắc với trò. Cô phải có bài khác, bài lờ, bài tránh như không biết, biết mà không xử lí. Có HS lớp 8 chửi cô giáo trên điện thoại bằng tin nhắn. Cô bức xúc và tiến hành xử lý kiểu: Mời cha mẹ, bắt làm bản kiểm điểm, bắt nhận lỗi. Như vậy HS có thể nhận lỗi trước mặt cô. Nhưng sau lưng chúng có thể thù cô giáo hơn. Để xử lý vấn đề trọn vẹn, GV cần tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp thay vì xử lý theo hướng truyền thống, và không đạt hiệu quả.
Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cũng khẳng định, nếu thầy cô, cha mẹ thiếu hiểu biết về quá trình phát triển của lứa tuổi teen sẽ vô cùng khó khăn để tiếp xúc và tìm hiểu. Người lớn có thể truyền đạt thông tin đến con với danh nghĩa là thầy cô, cha mẹ nên thường có sự áp đặt, chỉ đạo. Điều đó tác động tới tâm lý và có thể khiến trẻ không nghe lời, lầm lỳ, bỏ đi không nói chuyện, chống đối lại bố mẹ, chiến tranh lạnh, làm điều ngược lại…
Với giáo dục tuổi teen, thầy cô, cha mẹ cần điều chỉnh hai điều. Trước hết về ngôn ngữ cần tập trung vào điều mình mong muốn và sử dụng những ngôn ngữ tích cực. Tiếp đó nên thay đổi về hành vi. Đối với lứa tuổi teen, khi chỉ dạy nên dùng từ hình ảnh hơn lý thuyết. Trẻ không thích nghe nhiều, cần chọn lọc ngôn từ mang đậm tính hình ảnh và ngắn gọn. Mong muốn điều gì ở trẻ thì nói thẳng vào vấn đề đó. Trẻ sẽ hiểu ra thông điệp từ những ngôn từ trực tiếp.