Giáo dục Trung học hoàn thành 3 mục tiêu năm học 2021-2022

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Ngày 4/8, tại Thừa Thiên Huế, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục trung học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự có ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Phan Văn Long - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ cục thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện lãnh đạo 63 sở GD&ĐT và phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở…

Phát biểu chào mừng hội nghị, Ông Nguyễn Thanh Bình đã chia sẻ những kết quả giáo dục mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hy vọng tại hội nghị, giáo dục Thừa Thiên Huế sẽ được cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong cả nước, góp phần làm tốt công tác GD-ĐT trong thời gian tới.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Ông Nguyễn Thanh Bình đã chia sẻ những kết quả giáo dục mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hy vọng tại hội nghị, giáo dục Thừa Thiên Huế sẽ được cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong cả nước, góp phần làm tốt công tác GD-ĐT trong thời gian tới.

Thay đổi nhận thức về phương thức giáo dục

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần 13, năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 6, cũng là năm mà dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến toàn ngành.

Toàn ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học. Với việc dạy học trực tuyến, việc học đã vượt ra ngoài không gian 4 bức tường lớp học, thay đổi nhận thức về phương thức giáo dục, phương thức đào tạo, không chỉ là dạy học truyền thống như hiện nay.

Đặc biệt, 3 mục tiêu: An toàn phòng chống dịch; hoàn thành chương trình năm học theo đúng kế hoạch; kiên trì mục tiêu chất lượng đặt ra từ đầu năm học đều đã hoàn thành.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục được duy trì và giữ ổn định so với năm 2021 với tỉ lệ tốt nghiệp 98,57% (đối với thí sinh THPT đạt 99,16%).

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Kết quả năm học 2021-2022 cũng được Thứ trưởng nhấn mạnh qua kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022.

Theo đó, 6 đội tuyển tham dự Olympic Tin học khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Olympic Vật lí khu vực Châu ÁThái Bình Dương, Olympic toán học quốc tế, Olympic Vật lí quốc tế, Olympic Hóa học quốc tế và Olympic Sinh học quốc tế đều đạt thành tích vượt trội và dư luận xã hội đánh giá cao với 34 lượt học sinh tham gia dự thi, có 34/34 học sinh đạt giải (12 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc, 8 Huy chương 19 Đồng; 5 Bằng khen).

Đặc biệt, đội tuyển Olympic Toán học quốc tế, có một học sinh đạt điểm tuyệt đối 42/42 điểm.

Trong Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF4 năm 2022, đoàn học sinh Việt Nam đoạt 2 giải thưởng.

Với triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lần đầu tiên thực hiện dạy học tích hợp; thay đổi phương pháp, cách dạy, cách học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực là rất mới. Những việc này triển khai trong điều kiện bình thường đã khó khăn, nhưng chúng ta vẫn đã nỗ lực thực hiện và thực hiện có kết quả trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Những kết quả trên thể hiện sự đồng thuận, quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt trong toàn ngành.” - Khẳng định điều này, tại hội nghị, Thứ trưởng yêu cầu, bên cạnh chia sẻ kết quả đạt được, cũng đồng thời nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại và bàn giải pháp để có thể biến tất cả nguồn lực dành cho giáo dục thành chất lượng thật, hướng tới nền giáo dục có chất lượng cao.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội nghị.

Hoàn thành năm học với kết quả đáng khích lệ

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục đã tổ chức triển khai dạy học duy trì chất lượng, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; các văn bản hướng dẫn về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19; các văn bản về tinh giảm chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến được ban hành nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD-ĐT.

Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chủ động, linh hoạt xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch Covid-19, bảo đảm yêu cầu đầu ra của chương trình GDPT; tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; kết hợp dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh minh họa/ INT

Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh minh họa/ INT

Các địa phương đồng thời linh hoạt, chủ động, sáng tạo, ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan quản lý, đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục xây dựng, triển khai và thực hiện kế hoạch dạy học.

Năm học 2021 - 2022, quy mô học sinh tăng nhẹ ở cấp THCS và giảm nhẹ ở cấp THPT. Về mạng lưới trường lớp, quy mô tiếp tục được giữ ổn định so với năm học 2020 - 2021. Số trường THCS là 1.0850 trường; số trường THPT là 2.942 trường.

Với nỗ lực của toàn ngành, các cơ sở giáo dục, toàn quốc đã hoàn thành chương trình năm học 2021-2022 với chất lượng giáo dục được duy trì, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Theo báo cáo của các sở GD&ĐT, hầu hết các địa phương đã kết thúc năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch.

Về triển khai Chương trình GDPT 2018, năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6; đặc biệt đối với các môn học/hoạt động giáo dục mới như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Trong năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục SGK lớp 7, lớp 10 và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 6. Hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 6 theo Chương trình GDPT 2018 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt.

Đến thời điểm này, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, trong đó có 11/63 tỉnh, thành phố được công nhận mức độ 2 và 3/63 tỉnh đạt mức độ 3.

Bộ GD&ĐT đồng thời, chỉ đạo các địa phương giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục đối với các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2006 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bảo đảm tính kết nối với Chương trình GDPT 2018.

Hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình GDPT 2018, được tổ chức thường xuyên. Các sở GD&ĐT cũng chủ động, linh hoạt trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018.

Linh hoạt trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa/INT

Linh hoạt trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa/INT

Bộ GD&ĐT đã tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; tăng cường phân cấp quản lý giao quyền cho các cơ sở giáo dục được xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng cơ sở giáo dục, địa phương. Công tác quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp được thực hiện khá tốt, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục được duy trì và giữ ổn định so với năm 2021 với tỉ lệ tốt nghiệp 98,57% (đối với thí sinh THPT đạt 99,16%).

Một số kết quả của năm học cũng đáng khích lệ như: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022 đạt thành tích cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh học sinh. Công tác phổ cập giáo dục cấp THCS được các địa phương quan tâm, duy trì. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đạt được nhiều thành quả, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình GDPT 2018 của một số địa phương còn hạn chế. Việc triển khai đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học còn chuyển biến chậm; một số cơ sở giáo dục còn cứng nhắc trong triển khai chương trình các môn học/hoạt động giáo dục mới dẫn đến dư luận trong đội ngũ giáo viên không tốt…

Năm học 2022-2023, giáo dục trung học sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 và các tình huống bất thường khác.

Thứ hai: Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, lớp 7 và lớp 10; tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống có diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và các tình huống bất thường khác.

Thứ ba: Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Thứ tư: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ