Giáo dục trực tuyến: Xu hướng Trường ĐH Mở TP.HCM đã tiên phong theo đuổi

GD&TĐ - Đào tạo trực tuyến là xu hướng không mới và đã phát triển nhanh chóng trên thế giới nhiều thập kỉ. Nhờ sự chủ động và thích ứng, Trường ĐH Mở TP.HCM đã rất thành công với phương thức đào tạo trên.

Trường ĐH Mở TP.HCM đơn vị tiên phong cho xu hướng giáo dục trực tuyến
Trường ĐH Mở TP.HCM đơn vị tiên phong cho xu hướng giáo dục trực tuyến

Xây dựng nền tảng cơ bản vững chắc

Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, việc triển khai đào tạo trực tuyến bắt đầu từ năm 2016 cho hai ngành theo hình thức đào tạo từ xa. Đến nay, Trường ĐH Mở TP.HCM được xem là đơn vị tiên phong cho vấn đề này khi đã có 10 chương trình đào tạo từ xa trực tuyến với 4.000 sinh viên, trong đó tất cả các khóa học trực tuyến được thiết kế và triển khai bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng.

Không chỉ tiên phong trong việc kết hợp và ứng dụng Trường ĐH Mở TP.HCM cũng từng bước việc kết hợp đào trực tuyến với đào tạo trực tiếp với những cấp độ sau cho đào tạo chính quy như: Cấp độ cơ bản yêu cầu giảng viên phải đưa đề cương và bài giảng lên hệ thống quản lý học tập.

Trong đó, ở cấp độ nâng cao, bên cạnh các yêu cầu của cấp độ cơ bản, giảng viên phải triển khai các hoạt động tương tác trên hệ thống, bao gồm bài tập (có phản hồi) và diễn đàn, thảo luận; Cấp độ kết hợp trong đó giảng viên sử dụng nguồn tài nguyên từ các khóa học trực tuyến để tổ chức một phần hoạt động học tập trên hệ thống để hỗ trợ cho đào tạo trực tiếp.

Từ nền tảng vững chắc xây dựng được trong thời gian dài nên khi bối cảnh thế giới và phương thức giáo dục thay đổi, đặc biệt là việc học tập của sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Nhà trường vẫn rất chủ động trong việc duy trì hoạt động dạy và học của giảng viên, sinh viên.

Kết quả khảo sát mới nhất 2.225 sinh viên sử dụng hệ thống học tập trực tuyến có học liệu sẵn của Trường cho thấy: Tất cả sinh viên có đầy đủ phương tiện cá nhân để học tập, trong đó máy tính xách tay nhiều nhất (59,1%), kế tiếp là điện thoại thông minh (35,5%), còn lại là máy tính bảng và máy tính để bàn.

Sinh viên có mức độ hài lòng khá cao về nội dung (từ 3,49 đến 3,66), về yếu tố cá nhân hóa (từ 3,23 đến 3,41), về cộng đồng học tập (từ 3,18 đến 3,49) và về giao diện (từ 3,35 đến 3,88) trên thang đo Likert 5 bậc. Tuy nhiên, độ lệch chuẩn cao cho thấy còn có sự khác biệt nhiều giữa các sinh viên. Điều đó khiến Nhà trường luôn kiếm tìm giải pháp tốt và hiện đại nhất. 

Sinh viên hệ vừa học vừa làm, đào tạo từ xa nhận bằng tốt nghiệp
Sinh viên hệ vừa học vừa làm, đào tạo từ xa nhận bằng tốt nghiệp

Hướng đến việc chuẩn hóa dạy học trực tuyến

Theo PGS.TS Vũ Hữu Đức- Phó hiệu trưởng Nhà trường, từ năm học 2019 - 2020, được sự cho phép của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Mở TP.HCM đã thí điểm tổ chức các khóa học kết hợp cho đào tạo chính quy trong đó phần học trực tuyến có thể lên đến 30% và các khóa học trực tuyến hoàn toàn áp dụng cho các môn học đại cương và cơ sở ngành.

Nhờ sự chuẩn bị đó, khi thực hiện giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Nhà trường vẫn chủ động áp dụng đào tạo trực tuyến theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

“Cụ thể là tất cả các lớp học trong học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 đều được triển khai trên hệ thống quản lý học tập của Trường với hơn 1.400 lớp và gần 12.000 sinh viên, 500 giảng viên tham gia, trong đó, có 500 lớp sử dụng nguồn tài nguyên trực tuyến để học tập với gần 9.500 sinh viên tham gia.

Các lớp còn lại được tổ chức học tập qua hội thảo trực tuyến với các phần mềm Zoom, BigBlueButton, Google Meets… được tích hợp vào hệ thống quản lý học tập. Để bảo đảm chất lượng, Nhà trường yêu cầu các giảng viên bổ sung mỗi tín chỉ 4 tiết học trực tiếp để hệ thống hóa lại kiến thức và giải đáp thắc mắc cho sinh viên. Kết qủa việc chuẩn hóa và tiếp cận phương thức giáo dục mới nơi sinh viên rất tốt”- PGS.TS Vũ Hữu Đức nói.

Chia sẻ kinh nghiệm về sự thành công của Nhà trường, PGS.TS Vũ Hữu Đức cho rằng: chính sự nghiêm túc trong thực hiện việc kết hợp đào tạo trực tuyến với đào tạo trực tiếp là nền tảng cho những thành công của trường, khi các đề cương môn học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp phải được xây dựng kỹ lưỡng và thông qua Hội đồng Khoa học và Đào tạo của khoa trước khi thực hiện, trong đó các hoạt động học tập phải bảo đảm đạt được chuẩn đầu ra của môn học.

Điều đặc biệt là việc Nhà trường từng bước xây dựng lộ trình quá trình đào tạo trực tuyến đã từng bước giúp giảng viên làm quen với phương thức mới cũng như Nhà trường cân bằng được kinh phí đầu tư.

Sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM
Sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM

“Để việc phát huy thế mạnh của đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo trực tiếp mang lại hiệu quả ngày càng cao thì chúng ta cần sớm hình thành khung pháp lý đầy đủ cho đào tạo trực tuyến và sự kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp, bao gồm các quy định và tiêu chuẩn giúp các trường an tâm thực hiện đúng pháp luật.

Song song đó là triển khai các dự án phát triển nguồn lực chung, chia sẻ tài nguyên cho đào tạo trực tuyến, giúp các trường tiết kiệm được kinh phí đầu tư trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế”- PGS.TS Vũ Hữu Đức nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ