Đây cũng là một hoạt động ngoại khóa của các trường khi thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới” do Sở GD&ĐT Cần Thơ phát động.
Đa dạng hoạt động
Để tăng cường hoạt động trải nghiệm cho HS, năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Trường điển hình đổi mới”. Trong đó mỗi cấp học, mỗi trường có mô hình áp dụng những môn học trải nghiệm, phù hợp với đơn vị và địa phương. Đồng thời, sở đồng hành cùng nhà trường nghiên cứu thực hiện, xây dựng kế hoạch, lên khung chương trình, các nội dung, phân công nhiệm vụ và công tác tham mưu phối hợp các cấp chính quyền, lực lượng có liên quan.
Tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều), ngoài dạy chính khóa cho HS trên lớp, nhà trường còn định hướng dạy kỹ năng với nhiều hoạt động. Từ vườn rau, HS trải nghiệm các khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch. Khu làm bánh dân gian tại trường là nơi thầy cô, phụ huynh, nghệ nhân hướng dẫn các con trải nghiệm các món ăn truyền thống, dân gian. Đặc biệt, mô hình Công viên giao thông trong sân trường vừa giúp HS vui chơi, vừa được giáo dục an toàn giao thông một cách trực quan, sinh động.
Một trong những hoạt động nổi bật của mô hình “Trường điển hình đổi mới” là tổ chức các giờ trải nghiệm lồng ghép nội dung giáo dục địa phương. Theo cô Lê Thị Hường - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, quận có 13 trường tiểu học, mỗi trường xây dựng các mô hình hoạt động trải nghiệm phù hợp với học sinh. Trong đó có các hoạt động như: Robothon, Trải nghiệm làm bánh dân gian, Tham quan và tìm hiểu di tích lịch sử….
Một trong những hoạt động mà ngành Giáo dục quận Bình Thủy triển khai có hiệu quả là kết hợp với Hội Cựu chiến binh giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc. Mỗi tuần, các trường cùng với Hội Cựu chiến binh quận, tổ chức cho hội viên chia sẻ về lịch sử và truyền thống cách mạng, đồng thời cho HS tham quan những di tích lịch sử. Qua đó giúp các em nhận biết và hiểu hơn về lịch sử hào hùng, văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), nhờ hoạt động giáo dục trải nghiệm trong trường học, HS được trải nghiệm, được rèn luyện kỹ năng sống. Các em được thể hiện phẩm chất và năng lực của bản thân. Mục đích của hoạt động trải nghiệm nhằm phát triển, nâng cao các tố chất và tiềm năng của HS, nuôi dưỡng cho các em ý thức sống tự lập. Đồng thời giúp các em biết quan tâm, chia sẻ với những người thân xung quanh.
“HS được chủ động tham gia vào các khâu của quá trình hoạt động, từ chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả. Các em được trải nghiệm, được bày tỏ quan điểm, ý tưởng, được đánh giá hoạt động của bản thân, nhóm và bạn bè... Từ đó, hình thành và phát triển những giá trị sống và các năng lực cần thiết”, ông Long cho biết.
Phong trào thiết thực
Để tránh tình trạng các trường áp dụng hoạt động trải nghiệm thành hoạt động phong trào, đối phó. Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tăng cường chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp. Trong đó, đưa nội dung giáo dục trải nghiệm vào thời khóa biểu hợp lý. Trên cơ sở vừa bảo đảm chương trình giáo dục chính khóa, nhu cầu giáo dục phát triển năng lực cá nhân.
Cô Mạch Lệ Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Nhờ hoạt động trải nghiệm, các em được thực hành nhiều hơn. Đơn giản như việc trải nghiệm trồng các loại rau sạch để ăn hằng ngày và một số loại trái cây như mận, ổi, cóc… Bên cạnh đó, nhà trường còn giúp các em làm các loại bánh dân gian (bánh xèo, bánh khọt, bánh đúc…). Khi tham gia hoạt động trải nghiệm, các em phát huy được tính tính cực, chủ động, sáng tạo. Hoạt động của HS cũng đa dạng hơn so với hoạt động học tập trên lớp”.
Phát huy chất lượng hoạt động giáo dục trải nghiệm, các trường tiểu học ở TP Cần Thơ chú trọng phát triển năng lực HS. Thông qua các hoạt động, nhiều học sinh đã tiến bộ trong kỹ năng và sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Theo chia sẻ của các phụ huynh, một số em trước đây không chịu ăn rau, không thích ăn cá, tuy nhiên khi tham gia trải nghiệm đã ăn nhiều rau xanh, cá và trái cây…
Cô Nguyễn Thị Bích Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Ô Môn chia sẻ: Thuận lợi trong triển khai hoạt động trải nghiệm là tận dụng những câu lạc bộ có sẵn tại trường. Tuy nhiên, trường cũng gặp một số khó khăn, bất cập, đặc biệt là về vấn đề cơ sở vật chất phục vụ trải nghiệm. Hiện trường vẫn thiếu phòng chức năng và sân chơi cho các em. Nhu cầu học tập của các em và phụ huynh thì nhiều nhưng điều kiện kinh tế ở một số vùng, một số địa phương còn khó khăn, nên việc xã hội hóa còn hạn hẹp...
Ông Phan Văn Vui - Chủ tịch Hội cha mẹ HS Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều)