Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, việc giáo dục cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và về Quốc hội nói riêng có vai trò rất quan trọng.
Điều này xuất phát trước hết từ vai trò của thế hệ trẻ trong việc phát triển đất nước. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy nhiệt huyết, ham hiểu biết, dễ tiếp thu cái mới và thường ước muốn được cống hiến cho cộng đồng, được đánh giá là mùa xuân của xã hội, là tương lai của đất nước.
Trong khi đó, những kiến thức cơ bản về sự vận hành của bộ máy Nhà nước là những kiến thức đặc thù, cần được chuyển tải một cách thường xuyên, liên tục và qua những cách thức sáng tạo để từ đó các công dân có những hiểu biết sâu sắc về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và về vai trò của bản thân mình trong việc tham gia các hoạt động chính trị, đóng góp cho cộng đồng.
“Kinh nghiệm của Quốc hội các nước trên thế giới đều cho thấy, giáo dục cho thế hệ trẻ về tổ chức và hoạt động của Quốc hội là một phần quan trọng trong công tác truyền thông về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Công tác này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau” – ông Thắng chia sẻ, đồng thời viện dẫn:
Năm 2016, ông đã cùng với đoàn công tác của Văn phòng Quốc hội có dịp tìm hiểu về Chương trình Nghị viện trẻ của Nghị viện Anh. Đây là chương trình được tổ chức công phu vừa hướng đến việc giáo dục cho thế hệ trẻ về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, vừa lắng nghe ý kiến của thế hệ trẻ về các vấn đề được giới trẻ quan tâm. Tuy nhiên, việc áp dụng chương trình này ở các nước khác gặp nhiều khó khăn về quy mô, nguồn lực và cách thức tổ chức chương trình.
Được biết, Chương trình này do Văn phòng Quốc hội tổ chức trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Quốc hội Nhật Bản và một số nước khác, hướng đến mục tiêu tạo cơ hội một cách rộng rãi cho tất cả các em học sinh ở lứa tuổi phù hợp được trải nghiệm về hoạt động của Quốc hội, qua đó tìm hiểu, nâng cao nhận thức về cơ quan đại diện của đất nước.
Trong thời gian vừa qua, Chương trình đã bước đầu được triển khai đến các em học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Điểm đặc biệt của Chương trình là có sự kết hợp với hoạt động tham quan Nhà Quốc hội với việc tham dự các phiên họp mô phỏng một phiên họp toàn thể của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, trong quá trình tổ chức, cần tiếp tục cải tiến để hoàn thiện nội dung và cách thức tổ chức chương trình, với mục tiêu đưa chương trình này trở thành một chương trình giáo dục trải nghiệm phổ biến đối với các em học sinh phổ thông, góp phần đưa các kiến thức về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, kiến thức về pháp luật tới các em, giúp các em trở thành những công dân hữu ích trong tương lai.
Việc tổ chức giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cũng góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng của Bộ GD&ĐT.
“Trong bối cảnh đó, hôm nay Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam”. Hội thảo là dịp để các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện của các trường đề xuất, đóng góp những sáng kiến, giải pháp nhằm hoàn thiện nội dung và kinh nghiệm tổ chức Chương trình” – ông Thắng nói.