Nâng cao chất lượng giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên, cộng tác viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục thường xuyên Hà Nội.

Một giờ học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoài Đức.
Một giờ học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hoài Đức.

Ngày 19/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với ngành học giáo dục thường xuyên. Hội nghị có sự tham dự của các Phòng GD&ĐT, các Trung tâm GDNN-GDTX, các Trung tâm thực hiện nhiệm vụ GDTX và Trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội.

Báo cáo tại Hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hiện toàn thành phố có 29 Trung tâm GDNN-GDTX. Một trong những nhiệm vụ của các Trung tâm trong năm học 2023-2024 là nghiên cứu xây dựng đa dạng nội dung chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, thực hiện đa dạng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học viên; tạo động cơ, hứng thú học tập, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên.

Trong năm học mới, các đơn vị cũng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy các môn văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; đề xuất phương án bổ sung biên chế giáo viên cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Đồng thời, các đơn vị cũng sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức bồi dưỡng đại trà cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT theo lộ trình đổi mới Chương trình GDPT 2018, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên.

Với 579 trung tâm học tập cộng đồng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới là bảo đảm chất lượng, hiệu quả chương trình xóa mù chữ; xây dựng tài liệu bồi dưỡng ngắn hạn đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tích cực tổ chức giảng dạy các chương trình này giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) Vũ Thị Tú Anh đánh giá cao kết quả thi tốt nghiệp THPT của hệ thống giáo dục thường xuyên Hà Nội và cho rằng, trong giai đoạn đổi mới giáo dục đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, kết quả trên thể hiện tinh thần nỗ lực, quyết tâm, bền bỉ, của toàn ngành giáo dục Hà Nội nói chung và hệ thống giáo dục thường xuyên nói riêng.

Các tham luận Hội nghị đã nêu những kinh nghiệm trong công tác quản lý để thực hiện nhiệm vụ năm học tại các trung tâm GDNN-GDTX, đề xuất các giải pháp phối hợp nâng cao chất lượng dạy học giữa các Trung tâm GDNN-GDTX và các trường cao đẳng, trung cấp; công tác xây dựng xã hội học tập tại các địa phương.

Các ý kiến trong phần thảo luận cũng nêu những khó khăn trong quá trình giảng dạy, thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với ngành học GDTX. Cùng với đó là những khó khăn liên quan đến kinh phí hoạt động, mức thu học phí, về nguồn tuyển sinh, chất lượng tuyển sinh, cơ chế quản lý...

Kết luận Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương lưu ý công tác tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT từ năm học sau sẽ triển khai theo hình thức trực tuyến; tiếp tục thực hiện giải pháp ôn tập để tăng tỷ lệ tốt nghiệp THPT, cam kết chất lượng đầu ra, nâng cao chất lượng chương trình; tích cực phối hợp trong hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng giải đáp những ý kiến, góp ý, thắc mắc của các đại biểu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học. Trước mắt, ngành giáo dục Hà Nội sẽ quan tâm, đôn đốc việc thành lập Trung tâm GDNN-GDTX quận Bắc Từ Liêm để đảm bảo các Trung tâm được kiện toàn tại 30/30 quận, huyện.

Năm học 2022-2023, giáo dục thường xuyên thành phố Hà Nội có nhiều tiến bộ về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Toàn thành phố có 12.807 học viên tham dự kỳ thi. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 98,3%, tăng 2% so với năm học trước đó. Với kết quả này, giáo dục thường xuyên của Hà Nội xếp thứ 9 trong các tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm học trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ