Giáo dục Thường xuyên đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023

GD&TĐ - Sáng 16/8, tại Hà Nội Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và phương hướng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 đối với Giáo dục Thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh Ngô Chuyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh Ngô Chuyên.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng lãnh đạo các vụ, cục, viện, trường đại học và đại diện 63 Sở GD&ĐT.

Vừa đảm bảo chống dịch vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Hội nghị này diễn ra thường niên nhưng rất quan trọng với ngành Giáo dục đánh giá lại năm học vừa qua, những mặt đã đạt được, hạn chế tồn tại và rút ra kinh nghiệm, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho năm học 2022-2023.

Theo Thứ trưởng Độ, năm học 2021-2022 rất đặc biệt, đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng toàn quốc lần thứ 13, năm học thực hiện chương trình GDPT mới với lớp 2 và lớp 6.

Năm vừa qua, đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, gần 2/3 thành phố, tỉnh thành phải học trong điều kiện học sinh dừng đến trường nhưng ngành giáo dục đã đưa ra quan điểm không dừng học. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã đưa ra ba điểm rất quan trọng là “đảm bảo an toàn mùa dịch, hoàn thành chương trình để tổ chức thi tốt nghiệp, kiên trì với chất lượng”. Mặc dù học trực tuyến thay trực tiếp nhưng đến giờ phút này toàn ngành đã tổ chức linh hoạt thích ứng.

Trong điều kiện đó, ngày 6/7 Bộ đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo tiến độ chương trình. Tỷ lệ tốt nghiệp đối với GD Thường xuyên (GDTX) hơn 93% cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trong đó có GDTX.

Năm học 2022-2023 học sinh lớp 10 thực hiện chương trình GD phổ thông (GDPT) mới theo định hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất của học sinh. Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức tập huấn cho giáo viên và các thầy cô đã triển khai ở địa phương.

“Hi vọng tại hội nghị này, tôi rất mong các đơn vị có ý kiến đóng góp với Bộ để vừa là tổng kết năm học, triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa là hội nghị hiến kế cho Bộ trong việc tổ chức năm học mới tốt nhất”, Thứ trưởng lưu ý.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT, Hoàng Đức Minh. Ảnh Ngô Chuyên.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT, Hoàng Đức Minh. Ảnh Ngô Chuyên.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Hoàng Đức Minh đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023: Năm học 2021-2022, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Theo đó, quy mô và mạng lưới các cơ sở GDTX tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định trong năm học qua. Nhiều trung tâm đã bắt đầu thực hiện việc đa dạng hóa các chương trình GDTX, khắc phục những khó khăn nhất định sau đại dịch Covid- 19. Một số địa phương đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh để đầu tư xây dựng các phòng học mới khang trang, trang bị phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ cho các trung tâm...

Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT (mới), Bộ GDĐT đã chủ động tập huấn cốt cán cho cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên tại các địa phương, xây dựng các nội dung tập huấn đồng thời tổ chức tập huấn chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho CBQL, giáo viên tại các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Mặc dù năm học 2021-2022, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng ngành GDTX cố gắng đồng hành và đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp phù hợp đề giúp các học viên GDTX tham gia học tập, hoàn thành chương trình giáo dục năm học 2021-2022. Duy trì hoạt động dạy và học đảm bảo đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng cho học viên để hoàn thành chương trình năm học và đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch bệnh.

Các địa phương đều bố trí giáo viên có kinh nghiệm để dạy học lớp 12, các kỳ thi học kỳ I, II đều do Sở GD&ĐT tổ chức thi chung để đánh giá chất lượng học viên. Từ đó, có những biện pháp ôn tập cho phù hợp với trình độ nhận thức học viên, đảm bảo những học viên này có đủ trình độ, điều kiện để dự thi tốt nghiệp THPT. Theo đó 93,32 % học viên học Chương trình GDTX trên toàn quốc đỗ tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại như nhiều trung tâm GDTX, GDNN-GDTX chưa năng động, chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn ở các trung tâm GDNN-GDTX hiệu quả chưa cao; công tác bồi dưỡng thường xuyên một số đơn vị triển khai còn chậm so với yêu cầu.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Ngô Chuyên.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Ngô Chuyên.

7 nhiệm vụ trọng tâm của GDTX trong năm học 2022-2023

Tại hội nghị, Vụ trưởng Minh đã nêu ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023:

Thứ nhất: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Thứ 2: Tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về học tập thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Thứ 3: Thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả Chương trình xóa mù chữ và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ.

Thứ 4: Đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở GDTX.

Thứ 5: Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở GDTX; đối với Chương trình GDTX cấp THCS và THPT, tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học viên.

Thứ 6: Tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở GDTX trên tinh thần thiết thực, hiệu quả; quan tâm khuyến khích hệ thống cơ sở GDTX ngoài công lập phục hồi, hoạt động ổn định sau thiên tai, dịch bệnh; chú trọng tăng cường CSVC đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT đối với các cơ sở GDTX; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đảm bảo chất lượng các chương trình GDTX.

Thứ 7: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò và tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Đại diện các Sở GD&ĐT phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh Ngô Chuyên.

Đại diện các Sở GD&ĐT phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh Ngô Chuyên.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý thêm những nội dung mà GDTX cần lưu ý trong năm học 2022-2023: Năm học 2022-2023 phải an toàn về dịch. Thực hiện chương trình GDPT mới cấp THPT với lớp 10 rất cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành. Quá trình triển khai thực hiện chương trình điều quan trọng là thay đổi về phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá, kiểm tra.

Thứ trưởng cũng lưu ý về việc thực hiện xã hội học tập, về phía địa phương Sở GD&ĐT đứng ra chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng ban chỉ đạo xã hội học tập. Ban chỉ đạo sẽ giao cho Sở GD&ĐT làm đơn vị xây dựng kế hoạch giao cho sở, ban, ngành thường xuyên 6 tháng hoặc 1 năm tổ chức sơ kết, tổng kết báo cáo kết quả với UBND tỉnh, thành phố về việc hoạt động xây dựng xã hội học tập. Xã hội hóa học liệu các nguồn lực, biến tất cả các nguồn thành chất lượng giáo dục.

Cuối cùng Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh trong công tác đổi mới công tác quản lý, đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở GDTX, tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.