Giáo dục thủ đô: Khởi sắc sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính

GD&TĐ - Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, hệ thống giáo dục của Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc: Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền được rút ngắn. Liên tục trong nhiều năm liền Hà Nội giữ vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

Học sinh Hà Nội tại kỳ thi THPT quốc gia 2018
Học sinh Hà Nội tại kỳ thi THPT quốc gia 2018

Rút ngắn khoảng cách nội thành - ngoại thành

Ngay sau hợp nhất, thành phố đã sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học nhờ, học tạm, phòng học xuống cấp. Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư chuẩn hoá, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đạt 62%.

Bà Nguyễn Thị Lan - nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Đan Phượng nhớ lại: Năm 2008, Trường Mầm non Đan Phượng là ngôi trường đầu tiên được nhận cơ sở mới khang trang theo chuẩn quốc gia khi Hà Tây “về với” Hà Nội.

Trước khi được nhận cơ sở mới thì chỉ là những điểm thuê mượn học tạm. Có những điểm thuê, mượn nhà riêng của dân chật hẹp, không có sân chơi, được tận dụng là nơi học tạm cho mấy chục cô trò.

Cùng thời điểm này, với các cô giáo mầm non, những tình huống nhận lương tháng bằng thóc, bằng ngô cũng chẳng có gì lạ. Phụ huynh không có tiền đóng góp cho con, thì nhà có gì mang đến trường “trừ nợ” thức đó.

Mức lương hợp đồng thấp, không biên chế, không tăng thang bậc, phập phù vì phụ thuộc vào số tiền thu được từ lượng trẻ ra lớp, khiến nhiều giáo viên mầm non đứng lớp chỉ vì lòng yêu trẻ chứ không thể trông mong đồng lương không nuôi nổi “đời áo cơm”, chứ chưa nói đến chuyện tương xứng với công sức các cô bỏ ra trông các con từ sáng sớm tới tối muộn.

Không còn cảnh học nhờ, học tạm, trẻ bây giờ được đến trường với sự chăm sóc, quan tâm đầu tư của cả Nhà nước lẫn gia đình. Bữa ăn của trẻ đến trường mỗi ngày dù chưa phải hoàn toàn no đủ nhưng đã đảm bảo theo đúng yêu cầu về dinh dưỡng của lứa tuổi mầm non khi tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường hàng năm đều giảm dần.

Còn ông Nguyễn Giáp Dần - Chủ tịch UBND xã Yên Bình huyện Thạch Thất tự hào chia sẻ: “Chúng tôi rất vui trước những đổi thay từng ngày trên quê hương, đặc biệt trong giáo dục. Một trong những minh chứng đầy tính thuyết phục đó là nếu như trước đây không có cháu nào ở 3 xã nhập về với huyện Thạch Thất đoạt giải trong các kỳ thi cũng như thi đỗ đại học thì nay đã có những cháu đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cũng như tỉ lệ thi đỗ đại học đang ngày một cao hơn”.

Giáo dục huyện Thạch Thất đã có bước chuyển biến vượt bậc sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, đã có 59,74% trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó đạt trên chuẩn đối với bậc mầm non 77,3%, tiểu học 89,3%, THCS 70,8%.

Ðến nay, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, giáo dục tất cả các huyện ngoại thành của Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ. Thay vào những dãy nhà tạm, nhà cấp bốn là những cơ ngơi khang trang với những khối nhà cao hai, ba tầng, thầy và trò được dạy và học trong những môi trường đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị hiện đại: bể bơi, thư viện, các phòng chức năng.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục đã rút ngắn khoảng cách giữa các quận nội thành và huyện ngoại thành. Thành phố tập trung các nguồn lực để cải tạo, xây dựng các trường chuẩn quốc gia, ban hành nhiều chính sách đặc thù về giáo dục cho các huyện khó khăn, tạo tiền đề để giáo dục Thủ đô phát triển vượt bậc cả về chất và lượng.

Chất lượng giáo dục phát triển toàn diện

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ÐT Hà Nội cho biết: Năm học 2017-2018 ngành GD-ĐT Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng, toàn diện trên tất cả các mặt góp phần vào những thành tích chung phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Chất lượng giáo dục toàn diện được quan tâm, giữ vững. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều có những bước chuyển biến tích cực. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 84,57% học sinh Hà Nội đăng ký xét tuyển vào ÐH đạt điểm sàn trở lên.

Trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, học sinh Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước. Tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2017, học sinh Hà Nội giành 138 giải và huy chương, trong đó có 39 HCV, 42 HCB và 44 HCĐ. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh Hà Nội đạt 132 giải...

Năm học vừa qua, Hà Nội cũng tổ chức thành công kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15. Ðầu tháng 5/2018, tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á, thí sinh của Hà Nội giành HCV và danh hiệu thí sinh nước chủ nhà có kết quả xuất sắc nhất. Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế vừa rồi, Hà Nội có học sinh giành HCB. Nhiều đoàn học sinh khác dự thi các giải quốc tế đều đạt thành tích cao.

Một trong những thay đổi rõ nét của giáo dục Hà Nội những năm gần đây là công tác tuyển sinh đầu cấp đã dần đi vào nền nếp. Kế hoạch phân tuyến tuyển sinh của các quận, huyện linh hoạt hơn theo các điều kiện thực tế. Thành phố thực hiện tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, giảm phiền hà cho phụ huynh.

Nhu cầu về chỗ học của học sinh được đáp ứng ngày càng tốt hơn, hạn chế được những bức xúc trong phụ huynh. Thời điểm này, ngành GD-ÐT Hà Nội đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cho năm học mới 2018 - 2019.

Cho đến nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội đạt 52%, trong đó, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%. Riêng trong năm học vừa qua, thành phố đã đầu tư hơn 1.846 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa 387 trường học các cấp, trong đó có 141 trường mầm non, 140 trường tiểu học, 106 trường THCS, với 2.450 phòng học xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa, chủ yếu là tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ