Giáo dục thế giới: Thách thức trong chuyển đổi số

GD&TĐ - Có nhiều thách thức mà ngành giáo dục các nước phải đối diện giải quyết.

Học sinh tiểu học Croatia.
Học sinh tiểu học Croatia.

Để tìm hiểu giáo dục cần làm gì trong thời đại kỹ thuật số mà không bị bỏ lại bên lề của nó trong đại dịch Covid-19, mới đây các chuyên gia của Viện Giáo dục thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga đã tiến hành công trình nghiên cứu “Chuyển đổi kỹ thuật số: Kinh nghiệm của giáo viên và các tổ chức giáo dục ở Nga và thế giới”. 

Áp dụng công nghệ dạy học

Đại dịch “Covid-19” buộc đội ngũ giáo viên phải dạy trực tuyến. Theo số liệu của Viện Giáo dục thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga, hiện nay tại các trường phổ thông Matxcơva, chỉ có 1%số giáo viên không dạy trực tuyến. Ở những khu vực đang triển khai dự án liên bang “Môi trường giáo dục kỹ thuật số”, con số này là 2,8% và khoảng 4,9% ở những khu vực khác.

Mặc dù đã có kinh nghiệm sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong giảng dạy, nhưng giáo viên thường không sẵn sàng chuyển sang dạy trực tuyến, do khối lượng công việc nhiều và thiếu điều kiện thực hành.

Vậy, làm thế nào nâng cao trình độ kỹ thuật số của giáo viên?

Croatia đã phát triển dịch vụ e-Skole - một cộng đồng ảo, nơi các giáo viên chia sẻ kinh nghiệm của mình, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn và tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật.

Là một bộ phận nhỏ của mạng CARNET, dịch vụ này trở thành nền tảng khoa học và giáo dục hàng đầu ở Croatia. Các cơ sở giáo dục được kết nối mạng có thể sử dụng dịch vụ của nó, từ sổ điểm điện tử đến các bài giảng về dạy học trực tuyến. Ở Nga, có một số khóa học giúp giáo viên nâng cao trình độ kỹ thuật số. Ví dụ, tại khóa học “Đại học 20.35”, giáo viên nghiên cứu các vấn đề của kinh tế kỹ thuật số, phân tích dữ liệu giáo dục, học cách thiết kế dạy học trực tuyến và sử dụng các công cụ trực tuyến. Mỗi năm, có khoảng 3 nghìn giáo viên được đào tạo ở đây.

Tiếp cận công nghệ thông tin

Với sự phát triển của dạy học trực tuyến, số người nhận được cơ hội giáo dục bình đẳng sẽ nhiều hơn. Trên thực tế, để thực hiện điều đó chỉ cần có thiết bị và chế độ truy cập Internet tốt.

“Đại dịch cho thấy, các gia đình khác nhau đối phó với sự thay đổi khác nhau. Một mặt, công nghệ trực tuyến chứng minh rằng kiến thức không có biên giới lãnh thổ. Nhưng đồng thời, chúng ta thấy rằng sự bất bình đẳng xã hội cổ truyền đã dựng nên hàng rào đối với cả các công nghệ tưởng chừng như ai cũng tiếp cận được. Trong thời kỳ đại dịch, việc vượt qua những thách thức trong học tập phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế gia đình. Bạn có được trang bị kỹ thuật, công nghệ cần thiết và kỹ năng sử dụng chúng không? Bạn có duy trì được tính xã hội và tham gia vào môi trường kỹ thuật số mới hay không?” - ông Isak Frumin, Viện trưởng Viện Giáo dục thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga nói.

Vậy, làm thế nào để thu hẹp sự bất bình đẳng số?

Ở Tây Ban Nha, với sự hỗ trợ của nhà mạng Vodafone, năm 2019, chương trình DigiCraft dành cho trẻ em từ 6 - 12 tuổi bắt đầu hoạt động. Nhiệm vụ của chương trình là nâng cao năng lực kỹ thuật số thông qua trò chơi, thực nghiệm và làm việc theo nhóm.

Chương trình này cung cấp cho các trường phổ thông và trung tâm giáo dục mọi thứ cần thiết cho việc học tập - dụng cụ, thiết bị, tài liệu dạy học. Trên các tiết học, học sinh có thể thiết kế bản đồ sao trên trần lớp học, tạo ảnh ba chiều, mô hình 3D... Đến năm 2020, hơn 4 nghìn học sinh và 350 giáo viên tham gia chương trình này.

Học sinh trung học Tây Ban Nha.
Học sinh trung học Tây Ban Nha.

Phương pháp giáo dục cá nhân

Học sinh vốn khác nhau, vì vậy một chương trình giáo dục thống nhất không đủ. Ở Nga và nhiều nước khác, người ta phát triển một số dịch vụ tập trung vào việc cá nhân hóa tối đa các bài tập nhằm kích thích học sinh và giúp các em học tập thoải mái.

Ở Mỹ, nền tảng ALEKS hoạt động đã hơn 20 năm nay. Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, nền tảng này đánh giá và hình thành một lộ trình học tập cá nhân, nó phát hiện những lỗ hổng kiến ​​thức và giúp loại bỏ chúng.

Ở Nga, với sự trợ giúp của “Yandex. Textbook”, giáo viên có thể xây dựng chương trình phù hợp với trình độ học tập khác nhau của học sinh. Giáo viên có thể cung cấp các bài toán có sẵn, lựa chọn bài tập nào phù hợp nhất với học sinh và hình thành các lộ trình học tập cá nhân.

Lựa chọn học vấn và nghề nghiệp tương lai

Các chuyên gia của Viện Giáo dục thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga rút ra kết luận: Việc lựa chọn học vấn và nghề nghiệp tương lai không những là vấn đề khả năng, mà còn là thái độ nội tại.

Ví dụ, học sinh từ các gia đình nghèo thường chọn các trường ít danh tiếng hơn. Ở Nga, bước chuyển tiếp quan trọng là lớp 9. Trong số những học sinh giỏi xuất thân từ những gia đình mà cha mẹ chỉ có học vấn phổ thông, chỉ 63% vào lớp 10. Còn ở những gia đình có bố mẹ tốt nghiệp đại học, 85% học sinh vào học trung học phổ thông.

Khi lựa chọn con đường nghề nghiệp, điều quan trọng không chỉ hiểu bạn thích gì, quan tâm gì, mà còn nắm được những điểm mạnh và lợi thế cạnh tranh của mình. Để làm điều đó người ta phát triển các dịch vụ trực tuyến giúp các sinh viên tương lai trả lời những câu hỏi khó khăn này.

Ở Mỹ, hệ thống Degree Compass giúp sinh viên lựa chọn các khóa học hữu ích để họ có thể đạt được thành công lớn nhất. Các nhà phát triển dịch vụ sử dụng những ý tưởng làm nền tảng cho hệ thống khuyến nghị của Netflix. Sử dụng dữ liệu của những sinh viên đã tham gia các khóa học này trước đây, hệ thống so sánh chúng với hồ sơ của một sinh viên cụ thể và đề xuất các chương trình phù hợp với anh ta nhất.

Vậy, làm thế nào giúp đỡ sinh viên lựa chọn con đường nghề nghiệp?

Nhưng ngay cả khi giành được thành tích học tập tốt, những học sinh từ các gia đình nghèo vẫn thường lựa chọn những con đường kém hấp dẫn và ít khó khăn hơn. Phần mềm Virginia Education Wizard của Mỹ giúp thay đổi xu hướng này, nó cung cấp cho sinh viên các bài kiểm tra hướng nghiệp, tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia về lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai và nhận thông tin về các học bổng hiện có.

Khuyến cáo của chuyên gia

Các hình thức dạy học mới là lĩnh vực rộng lớn cho các nhà nghiên cứu giáo dục. Nhưng hiệu quả của chúng có thể vấp phải vấn đề bất bình đẳng số, bởi không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận công nghệ.

Các chuyên gia Viện Giáo dục thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga đã đề xuất một số phương án để chuyển đổi nhịp nhàng sang các hình thức giáo dục mới. Một trong các phương án là cấp cho sinh viên từ các gia đình có thu nhập thấp một khoản tiền để mua sắm thiết bị kỹ thuật hoặc sử dụng tạm thời.

Song song đó, cần hỗ trợ các trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo theo hình thức mới. Ở đây, điều quan trọng là phát triển các công cụ kỹ thuật số giúp dự báo và đánh giá năng lực một cách độc lập, bao gồm các kỹ năng liên môn học như: Giao tiếp, hợp tác, tư duy phản biện.

Theo Trends.rbc.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.